Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

NẾU GIA ĐÌNH BỊ CÁO MANG ẢNH CHA GIÀ TỚI TÒA?



Hôm 30-11, một người dân TP Cà Mau tổ chức người đưa quan tài sang bên láng giềng đang chuẩn bị khai trương quán cà phê.
Sự việc bắt đầu từ sự tranh chấp đất đai trước đó, không ai chịu ai, nên chờ đúng dịp bên kia bắt đầu khởi dựng việc làm ăn thì bên này mang sản phẩm dành cho người chết tới với lý do “tặng”.
Ở Quảng Nam hồi đầu tháng trước, để đòi giải quyết bồi thường đất thỏa đáng tại công trình đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, người dân cũng mang quan tài đặt giữa đoạn thi công để gây sức ép với chính quyền…
 Trước đó, còn rất nhiều vụ mà  tấm áo cho người chết (áo quan) được người sống ưu tiên trong danh mục những công cụ bày tỏ thái độ.  Dường như họ  đặt hi vọng điều này sẽ có tác dụng giống như những tấm gương “quan tài diễu phố” ở vài địa phương phía Bắc trước đó.


Những việc này, cơ quan chức năng đã vào cuộc, song cán cân giữa việc giải quyết sự vụ (thường là ở mức xử lý hành chính) với hệ lụy tâm lý, tinh thần, tình cảm… trong dư luận e quá chênh lệch.
Điều này hoặc phản ánh sự nhân nhượng của chính quyền trước những hành vi mang biểu tượng của âm binh (quan tài), hoặc phản ánh sự lúng túng khi quá trình giải quyết những việc này thiếu những biện pháp chế tài thích đáng.
………………
Một hiện tượng khác cũng khá phổ biến hiện nay, đang diễn ra tại nhiều tòa hình sự, đó là mang di ảnh nạn nhân tới các phiên xử.


Tôi không hiểu nếu trước đây các thẩm phán khi xét xử ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén mà gặp những tình huống như thế thì  có đủ bản lĩnh để  không tuyên án tử hay không?. Và số phận những người không phạm tội kia sẽ đi theo hướng nào?
Tôi cũng không hiểu, nếu người nhà của bị cáo cũng tề tựu, mỗi người ôm trước ngực hình ảnh cha mẹ già, vợ trẻ, con thơ … (thông điệp về  viễn cảnh tương lai gia đình mù mịt khi thiếu vắng người thân)  để  đối đáp lại với việc mang di ảnh nạn nhân thì tòa án có quy định nào ứng xử với việc “biểu dương lực lượng” từ hai phía ấy? Hội đồng xét xử, dù gì cũng là con người,  có phải thực hiện thao tác che tấm vải đen trên mắt giống như thần Công lý để đảm bảo tốt hơn sự công tâm không?.  
……………………………

Hai hiện tượng bày tỏ thái độ bằng quan tài và mang hình ảnh nạn nhân tới công đường dù thông cảm lắm cũng chỉ dừng lại ở mức chia sẻ với những bức bối của bên nhận là bị hại, nhưng nó lại gây ngột ngạt cho người xử lý.  Nó cũng có khả năng  khiến công luận bất bình bởi e ngại sự công tâm, tinh thần thượng tôn pháp luật bị can thiệp một cách rất “mềm”. Anh Tuấn