Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019

Khi Thượng đỉnh Mỹ - Triều về lại đáy



Giống như đôi trai gái, tháng trước chửi nhau thì tháng sau khó cùng sánh bước đi chia thiệp cưới. Cặp đôi ấy cần thêm thời gian hờn dỗi vu vơ hoặc tức lồng tức lộn trước khi nhảy chung lên một con thuyền…



Việc thượng đỉnh Mỹ-Triều bất thần trở lại "đáy" cũng tương tự thế. Chuyện “Tình trong như đã mặt ngoài còn e” là bình thường, và điều đó hợp lý.

Chỉ lạ, Mỹ sau đó hoành tráng tổ chức họp báo với rổn rảng những lời có cánh thì Triều gom trống thu cờ im phăng phắc, tới thời điểm 17 giờ chiều 28-2 vẫn không ra nổi một phát ngôn.

Và tiếc, Việt Nam chưa được gọi tên như là một nơi ghi dấu ấn cho hai giải Nobel Hòa Bình của hai vị thủ lĩnh ngoại quốc Trump – Kim.

Nhưng cũng thường, vì chúng ta quen với thất bại, thậm chí từ lâu đã nâng tầm thất bại thành bài học kinh nghiệm, thì sá gì danh hiệu hão này!.

Anh Tuấn



Thứ Ba, 26 tháng 2, 2019

Lịch sử lại gọi tên Việt Nam?


Miền Nam Việt Nam kể từ sau 1954 tới 1975 được nhiều người gọi là chiến trường của hai hệ tư tưởng. Cuộc so tài giữa đôi bên đó, cũng theo họ, đã tiễn hàng trăm ngàn sinh mạng tới miền cực lạc hoặc lên thiên đường.



Tới 2019, tức 44 mùa xuân sau thời điểm phe tư bản thoái lui, tới lượt Miền Bắc Việt Nam trở thành nơi diễn ra cuộc đối mặt giữa hai thế lực sở hữu công nghệ vũ khí hạt nhân chính thức và phi chính thức, từng tuyên bố hàm ý hủy diệt đối phương lẫn bạn thân của đối phương.

Hai đại diện của những thế lực ấy, một từ Đồng Đăng tiến ra Hà Nội, một từ Nội Bài vào Thủ Đô. Mỗi chú đi từ mỗi hướng cùng tùy tùng hùng hậu với các trang thiết bị tối tân.

Sự nóng rừng rực của cuộc giáp mặt đó không khó để nhận ra. Thậm chí  mức độ quan tâm của giới truyền thông tới đám vệ sĩ của “trùm tư bản” hay cái ló người qua cửa kính chống đạn của hậu duệ “khai quốc công thần Nam Triều tiên đời thứ 3” lúc đi giữa nước Việt đầy thanh bình và thân thiện... cho thấy thủ lĩnh của mỗi bên được bảo vệ cẩn mật vì sự sống của hành tinh ra sao.

Nhưng dường như ngoài sự hồi hộp trong nước thì thế giới chả qua tâm đến những chuyện lẻ mẻ trên.  Họ có lẽ chỉ đặt mối quan tâm rằng kết cục cuộc “so găng quan điểm” sẽ ra sao? Hà Nội có được lịch sử ghi nhận là nơi đặt dấu ấn “Giải giáp vũ khí tư tưởng” của một bên hay không?

Và tôi, với tư duy của một người trong dân tộc yêu chuộng hòa bình, đương nhiên không muốn đất Thăng Long trở thành địa điểm đánh dấu một cuộc chiến ý thức hệ khốc liệt sau một tuần tới đây, nếu cái bắt tay nhau không ưng ý....

Anh Tuấn



Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

Những món ngon của truyền thông


Một án hôn nhân, điều cốt yếu là trái tim cặp đôi ấy còn thuộc về nhau không. Vấn đề tài sản, nhỏ thì tòa tự truy xuất nguồn gốc, lớn thì... thuê thám tử kinh tế lần dấu vết.

Mà khi đã tan vỡ, nhiều đứa còn hắt xăng vào nhau thì tiền là đứa bố láo nào?


Thế nhưng, câu chuyện đương kim giáo chủ Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ và đương kim đệ nhất phu nhân giáo chủ Trung Nguyên Lê Hoàng Diệp Thảo có phần khác với những cặp đôi bình thường. Bởi nó dường như vượt xa quy luật giới tính để tiệm cận mức độ triết học: Vật chất quyết định ý thức.

Cứ theo báo chí mấy hôm nay, cặp đôi “khai giáo công thần” này không quá lấn bấn chuyện chàng/nàng còn yêu tôi không mà là chuyện ai sẽ đứng đầu trong sổ vàng truyền thống của Trung Nguyên hội.

Mà bọn tò mò, khi đã hít phải thứ ma túy tạm gọi là “nhân vật nổi tiếng” thì chúng dễ sinh ảo giác để tự biến mình thành đám tiểu yêu thờ phụng đấng “Tin giật gân”.

Thật tiếc vì Độc cô cầu bại, Kiếm hiệp đường chủ Kim Dung đã trả nợ giang hồ, nếu không, bọn Quách Tĩnh - Hoàng Dung, Cô Long - Dương Hóa... chỉ là lũ tép riu nếu mon men lên vùng Tây Nguyên Việt Nam...

Quay lại câu chuyện trong hàng ngàn án hôn nhân mỗi năm trên thế giới thì trái tim của những cặp đôi từng mặn nồng kia còn thuộc về nhau không....

Trả lời: Còn, nếu đứa nào cũng muốn lòng đứa kia vui sướng!  (trừ việc bất hạnh lọt vào tầm ngắm bọn say tin sốc)


Trần Tuấn

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

Nữ sinh giao gà và nhân viên cây xăng bị giết



“THƯỞNG LỰC LƯỢNG PHÁ VỤ GIẾT NHÂN VIÊN CÂY XĂNG ĐÊM 30 TẾT”

Giả sử bạn đọc được thông tin trên sau nhiều ngày đằng đẵng ngóng chờ công an lôi đứa giết người tại Bình Thuận đêm giao thừa ra ánh sáng?...  Bạn nghĩ lực lượng phá án tài tình, cảm ơn các anh?



Hoặc: Nghiệp vụ mấy chú cảnh sát kém cỏi, nửa tháng trời mới bắt được tội phạm. Thật tốn tiền thuế dân nuôi các chú?
Nhiệm vụ của các chú là giữ gìn an ninh, không mắng là may chứ sao lại thưởng?...

Thì tương tự, vụ công an Điện Biên được khen thưởng vì bắt được mấy đứa lên kế hoạch thay nhau hãm hiếp em nữ sinh đi giao gà cũng sẽ được các bạn suy nghĩ theo ít nhất 3 hướng như thế. Trong đó, 2 sự sau được cổ vũ bằng vài tờ báo nhân danh “Ý kiến bạn đọc”.



Xin tỏ quan điểm cá nhân: Đó là những tờ báo thiếu tính xây dựng, sặc mùi đổi chác.

Nếu là lính bảo vệ biên giới, ý chí của bạn là quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, sao có anh nhận huân chương, có anh chật vật về làm chế độ thương binh?

Nếu nhiệm vụ của bọn trẻ là học tập, sao có đứa năm nào cũng nhận giấy khen, có đứa chỉ đủ chuẩn lên lớp?

Nếu trong gia đình của bạn phải thực hiện khả năng làm chồng giỏi, cha tốt thì đẻ ra mấy cái danh hiệu Gia đình văn hóa làm gì để mạt sát những đứa không đạt danh hiệu?

Trong vụ Điện Biên, khen thưởng là một hình thức khuyến khích để về sau thực hiện thành tích nỗ lực và hiệu quả hơn. Thế mà cũng bị chọc ngoáy?

So sánh giữa thành tích phá án với nỗi đau của gia đình nạn nhân là một dạng so sánh khập khiễng, kiểu xã hội tuôn nước mắt thì trời không được hửng nắng!

Cũng trong vụ Điện Biên, việc khai quật tử thi để giám định lại thì đó là một sự cẩn thận cần thiết để hạ xác suất oan sai, giống như Tòa án phải nhiều cấp xét xử.



Tôi nhớ, ở Ninh Bình 22 năm trước (1997) cũng có một vụ tương tự. Cô gái Thanh Hóa bị nhóm 4 thằng giam liền tù tì mấy ngày để làm nô lệ tình dục cho chúng và cho những thằng bạn chúng. Công an sau đó ập vào, nạn nhân thân hình rũ rượi như ma, khi được về nhà, do ám ảnh và tủi nhục đã lao đầu xuống giếng tuẫn tiết.

Cùng năm, 4 án tử hình được tuyên. Sau đó thì không biết có chú nào được Chủ tịch nước tha tội chết không nhưng nhiều người chửi chính quyền đã không làm tròn nhiệm vụ an ủi nạn nhân khiến cô tìm giải pháp là cái chết... (!?)

Anh Tuấn


Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019

Mấy vần Xuân Kỷ Hợi


Buông

Phố ồn ào nhưng chẳng thấy riêng ai
Chiều sắp rụng mà hào quang chửa tắt
Thằng lãng tử năm xưa nay bỗng tật
Lặng lẽ cười, thong thả bước vào đêm...







Viễn mộng

Kinh đô? Xa lắc ngàn năm!
Đá vôi thì bạc, bờ sông thì bồi
Xa quê bỗng hận đất người 
Cờ lau viễn mộng ngợp trời tái tê…






Ly hương

Đất khách đã nghe mùi cay đắng
Dẫu lòng chưa mỏi cánh thiên di
Hay ta đỗ lại cùng nhân thế
Đau thấm tận cùng chuyện hài - bi?





Trần Anh Tuấn