Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

Chuyện COVID-19 và chuyện tướng Võ Nguyên Giáp


Có một số điều đang và sẽ ở chuyện thời sự COVID-19 mà tôi thấy băn khoăn.

Thứ nhất: Nỗi tức giận dịch hoành hành, sự ngưỡng mộ người hùng, nước mắt cho những số phận thảm thương… rõ ràng rất đáng trân trọng.

Tuy nhiên, mang những điều ấy để khỏa lấp đi sự chống chọi yếu ớt trước dịch thì đó là sự bù đắp (hay so sánh) bất cân xứng. Nói cách khác, tình cảm không thể bao che cho sự thúc thủ của khoa học quản lý xã hội.



Thứ hai: Công an, quân đội tự nguyện giúp dân là một chuyện rất tốt. Tuy nhiên, vì hăng hái quá mà giao những chiến sĩ mù mờ đường sá, ngây thơ chợ búa gánh vác phần việc của đội ngũ shipper (về lý lẫn thực địa) chuyên nghiệp hơn liệu có là giải pháp khả thi?.

Thứ ba: Bộ đội cùng tiếp quản chốt kiểm soát thì việc thay mẫu giấy đi đường là điều có thể hiểu được.

Có điều, cái giấy mới ưu việt hơn giấy cũ thế nào thì vui lòng thông tin kỹ. Bởi, người dân đi kiếm cơm chứ có suốt ngày chúi mũi trên mấy trăm tờ báo để cập nhật những thay đổi liên xoành xoạch đâu.

Thứ bốn: Các vị nói ca mắc có chiều hướng đi ngang. Tháng trước thấp hơn 7.000 ca/ ngày, tuần trước dưới 10.000 ca/ ngày, ba hôm nay vượt 1 vạn ca/ngày… thế là “ngang bằng” hay “ngang ngạnh”?.

Việc thay tướng giữa trận là hấp tấp lắp ghép mảng miếng hay kiểu Tào Tháo chém Lục Dận?

Và thứ năm: Luôn thường trực câu hỏi "bạn đã làm những gì mà bắt lỗi chính sách” nhan nhản trên mạng.

Xin thưa, bắt lỗi là một cách góp ý xây dựng. Ông dân không thể vì nhìn thấy mồ hôi của đứa đầy tớ hì hụi lăn cối đá mà không dám trách nó làm hùng hục như thế là dốt. Dùng gậy mà bẩy có phải là giải pháp nhẹ nhàng hơn không.



Cái giải pháp ấy, với riêng trong việc chống dịch, phần nào đó chính là việc nên coi covid như chuyện ứng phó lũ lụt, đối diện việc láng giềng tập trận, và thậm chí như chống tham nhũng.

Tối nay, chương trình thời sự 19h nói về tướng Võ Nguyên Giáp với trận Điện Biên Phủ, tôi nhớ một câu, đại ý: Trung ương muốn đánh thần tốc nhưng tướng Giáp nghĩ khác….

Trần Tuấn

Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2021

Những 'mùa' không đáng có


Đến hiện tại, số người thiệt mạng liên quan đến COVID-19 ở Việt Nam trên 8.200, riêng TP.HCM hơn 6.600. Số nạn nhân qua đời do nguyên nhân gián tiếp (như về quê bị nạn, làm nhiệm vụ hi sinh, bệnh khác nhưng thiếu giường…) chắc chắn cao hơn.

Theo Bộ Y tế, tỉ lệ tử vong ở Việt Nam tương đương thế giới. Có nghĩa, các tia tự hào của chúng ta vốn được tung hô lâu nay đã không còn lấp lánh.

Nói một cách chua chát thì dù có rất nhiều văn bản chỉ đạo lẫn phát ngôn chỉ đạo, dù “đi sau” song giờ chúng ta đã đuổi kịp họ, chỉ mong không vượt.

Với chuyện chỉ đạo chống dịch, nhiều tháng nay, TP.HCM tiếp nhận nhiều lực lượng ngoài địa phương: Cảnh sát từ Cục, Quân đội từ Bộ, tình nguyện viên từ các nơi…


Những đội quân ấy đã và đang thực hiện nhiệm vụ gìn giữ an toàn cho thành phố. Đáng tiếc, tôi thấy những hình ảnh oai phong, xúc động tiến vào TP do chủ yếu được gắn 2 chữ “đoàn kết”, “quyết tâm” dập dịch. Các yếu tố như “nghiên cứu khoa học”, “giải pháp tâm lý”, “logic xã hội”, “tổ chức đời sống”… khá mờ nhạt.

Từ đó, điều dễ dàng nhận thấy là đường phố vắng hoe, là lưng áo ướt đẫm mồ hôi của người làm nhiệm vụ, là nước mắt của người nghèo nhận cứu trợ, là số tiền xử phạt tăng. Tuy nhiên, thước đo về cái giá của những vất vả, mất mát trên lại khó nhìn.

Đang có 2 luồng quan điểm, một là quét sạch virus, hai là chấp nhận sống cùng để kiềm chế nó. Kinh tế-xã hội phát triển thế nào chính là tương ứng với kết quả chọn một quan điểm.

Và Việt Nam chọn bóc tách F0 trước khi vắc xin đổ bộ xuống trên 75% dân. Điều này đồng nghĩa với việc những bệnh nhân không Covid có thể được kêu gọi chia sẻ lợi ích khám chữa bệnh tại những cơ sở y tế đang đông?.

Và cả nước nói chung, TP.HCM nói riêng còn tiếp tục chứng kiến những sắc áo chuyên ngành nhiều hơn thường phục trên đường phố, trước cửa những “pháo đài”?.

Và “mùa covid” có thể đổi tên thành “mùa chỉ đạo”?.

Và mùa nào thì cũng chỉ là tên gọi. Vấn đề là những tác giả của chỉ đạo lưu ý giúp, nếu cứ 1, rồi 2, rồi 3, rồi quay lại 2 như việc dân đi chợ vừa qua thì dường như các vị đang chơi cờ hoãn nước chứ không phải đang thông tin nghiêm túc với dân.

Anh Tuấn

Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2021

Khi quân đội tập trung mặt trận


 Quân đội chính thức vào mặt trận dịch thì sao ạ?

-        Đảm bảo tro cốt của người qua đời về đúng địa chỉ (điều này đã làm).

-        Sẽ thay thế đội ngũ shiper cung cấp toàn bộ nhu yếu phẩm đến người dân. Cái này chắc lính trinh sát có chuyên môn ngõ ngách hơn.

-        Cũng trong việc cung cấp nhu yếu phẩm, có thể vừa tập trung dân vừa đảm bảo giãn cách để nhận rau, gạo, nước… tốt hơn các đội thiện nguyện hiện nay.

-        Hỗ trợ công an đề nghị những người ra đường vì mọi lý do (nhưng không trong danh mục lý do chính đáng) quay đầu xe.

-        Đồng hành cùng lực lượng y tế từ tuyến đầu tới tuyến cuối để áp tải F0 và vận hàng Covid.

-        Lên đạn, trong trường hợp xác định đối tượng bất tuân không phải Nhân dân mà là thế lực ngoại xâm.

-        Vân vân … và vân vân…



Cá nhân tôi thì hơi tiếc một chút. Bởi:

Trước đó, chúng ta từng dư dả thời gian vàng để có thể khởi động tổ ngoại giao vắc xin sớm hơn

Chúng ta từng dư dả những giường bệnh cho những F0 mờ triệu chứng.

Chúng ta từng dư dả tiền cho những buổi phun sương khử trùng trên đường phố, cho những động tác cấm cản sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Chúng ta dư giả một lực lượng hùng hậu từ nhiều tỉnh thành lao vào điểm nóng với chốt, dây, loa kêu gọi, găng tay, tăm bông, áo mưa bảo hộ.

Chúng ta dư dả lời khen cùng sự ngưỡng mộ những người hùng quyết tâm diệt địch, giúp đỡ người dân khó khăn.

Và nếu những lúc dư dả như thế, chúng ta không lãng phí thì có lẽ nơi giàu nhất nước không cần gạo cứu trợ; hàng ngàn lao động không phải dắt díu nhau làm một cuộc trường kỳ hồi cố hương. Có lẽ số bệnh nhân covid lẫn không covid được quan tâm chu đáo hơn, dẫu qua đời cũng được ra đi theo truyền thống hơn.

Từ đó, xã hội sẽ không phải sử dụng lòng trắc ẩn với  đồng loại nhiều và liên tiếp như hiện nay.

Và quân đội sẽ toàn tâm toàn ý tập trung vào chuyện bờ cõi.



(Nói thêm, lòng trắc ẩn là vô tận, song lòng trắc ẩn bộc lộ quá nhiều trong một thời điểm thì về mối quan hệ giữa dân với không dân, nó như là tiếng nói hờn dỗi với những lãng phí ở trên?

Tôi đặt dấu hỏi bởi có thể những vị ra quyết sách có tầm nhìn, cách tính toán cũng như lý giải phi thường không phải ai cũng đạt tới).

Trần Tuấn

Thứ Năm, 19 tháng 8, 2021

Chuyện Thánh Gióng và nỗi sợ dịch bệnh

 

Thông tin từ Sở GD&ĐT TP.HCM chiều 19-8 cho hay, do ảnh hưởng của COVID-19, TP sẽ không tổ chức tựu trường, không khai giảng tập trung. Học sinh các bậc từ Tiểu học đến Trung học phổ thông sẽ bắt đầu năm học mới bằng hình thức học trên môi trường Internet đến hết học kỳ 1.

“Dạy và học trực tuyến được thành phố xác định là phương thức học ổn định trong năm học tới chứ không chỉ là giải pháp tình thế như những năm học trước” - Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT TP.HCM, nói.



Nếu có con 6 tuổi vừa rời lớp mầm non, bạn có sẵn sàng để nó một mình ở nhà với lỉnh kỉnh máy tính phức tạp, điện đóm nguy hiểm, hàng xóm ồn ào, lan can nhà chênh vênh... để học qua internet không? Hay bạn sẽ bỏ việc, nhịn đói ở nhà cùng học với con?

Có đứa được học bằng máy tính, có đứa sẽ phải căng mắt vào điện thoại, có đứa lỡ nhà nghèo phải ké internet của láng giềng (hoặc phụ huynh phải nghiến răng chi tiền mạng)… thì cái sự bất tương xứng giàu nghèo dễ là nguy cơ trực tiếp dẫn tới bất bình đẳng trong tiếp nhận tri thức. Không biết điều này đã được tính chưa?

Các bài học có thể sẽ hiệu quả như việc chống dịch? Tuy nhiên, sự gắn kết tình cảm giữa thầy và trò ra sao?. Những hình ảnh nói chuyện với nhau bao giờ cũng khác với tương tác thật, vậy ám thị tình nghĩa thầy trò, tôn sư trọng đạo vào đầu bọn trẻ thế nào khi trước mặt chúng chỉ là những cái máy nói?

Sự đui, què, mẻ, sứt (nếu có) trong kiến thức lẫn tinh thần của học sinh sẽ rất dễ dàng đổ lỗi cho tình hình dịch bệnh. Nếu vậy, cái giá của dịch bệnh phải chăng lớn hơn cái giá phải trả của xã hội về một thế hệ khấp khểnh tiếp thu online?

Tôi cho rằng dịch bệnh, hay giặc, hay thách thức, hay bất cứ bài toán nào khác… đều không phải chỉ có duy nhất một cách giải.

Trong chuyện học, chúng ta vẫn có thể để trẻ đến trường, được thụ hưởng cách thức học tốt nhất chỉ cần chúng ta thay đổi nỗi sợ hãi về covid.

Lo lắng, khiếp đảm rồi phong tỏa, cách ly, nhìn ai cũng như FO… là cách đối diện bệnh tật khiến loài người không lớn hơn. Cái khó bó cái khôn là vậy.

Việc thay đổi nỗi sợ hãi có thể ít dễ dàng, nhưng chắc chắn sẽ nhẹ nhàng hơn việc các vị mặc định mỗi đứa trẻ sinh ra ở đô thị đều phi thường như Phù Đổng Thiên vương.

(À, nếu quyết bỏ việc ở nhà kèm con, các ông bố nhớ mặc quần dài, những bà mẹ hoãn khoe váy ngủ trước màn hình. Đặc biệt, cấm gõ đầu thiếu nhi, chửi chúng ngu như bò nếu buổi online có đại diện hội mẹ cha học sinh...).

Trần Tuấn

Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

Gốc đâu để nhổ?

 

COVID-19, nói kiểu lạc quan, đang chờ đón một giải Nobel kết liễu chính nó. Nói bi quan, nó đã, đang, tiếp tục thách thức nhu cầu tự do ôm nhau của loài người.

TP.HCM ngày giãn cách

Từ việc coi thường tính nguy hiểm của những cái chết lạ; xả láng mở cửa các chuyến xuất ngoại từ Vũ Hán; sự lừng khừng công bố đại dịch của WHO… đến những biện pháp siết chắt xã hội khá cực đoan, bất chấp cái dạ dày của người dân cũng như lòng mưu cầu hạnh phúc của họ… cho thấy, đến thời điểm này, dường như thế giới đang đánh giá Covid như một kiểu thầy bói xem voi...

Rồi sau khi cuống cuồng phê duyệt khẩn cấp vắc xin, có vẻ như chúng ta đang tự cho mình cái quyền tự thỏa mãn dù chưa tính toán được có bao nhiêu biến thể khác đang cười đùa với vắc xin.

Nói chung là đủ cảm xúc hoang mang, sợ hãi, vững tin, thất vọng, phấn khởi, lạc quan tếu…. Những cuộc tăng xông xã hội đó có lẽ còn kéo dài cho ít nhất là đến lúc biết nơi khởi nguồn COVID-19.

Đã sắp đến hạn mấy quan bên Mỹ phải trình Tổng thống của họ kết quả điều tra về nơi đẻ đại dịch. Trong khi đó, giới đầy tớ của nhân dân Trung Hoa vẫn quyết liệt ngăn cản việc tìm hiểu cặn kẽ xuất xứ thứ bệnh giết nhiều triệu người này.

Mà, không tìm ra gốc thì diệt cỏ làm sao?

Trong ít trăm năm nữa, thế giới sẽ tươi đẹp hơn. Tuy nhiên, những thế hệ ở thì tương lai ấy có khi nào cay cú xã hội ngày nay đã lấp liếm thông tin khiến cha ông chúng phải khổ sở?

Anh Tuấn

Thứ Hai, 16 tháng 8, 2021

Những chuyến lên thiên đường lậu?

 

Hơn 40 thi thể từ TP.HCM theo đường xe tải tới Bến Tre để hỏa táng được lực lượng chức năng làm rõ. Tài xế chở những người xấu số ấy bị xử lý do vi phạm phòng chống dịch.



Lý do những người chết phải thêm một hành trình dằn xóc hàng trăm cây số trước khi trở thành nhúm tro có lẽ ai cũng hình dung ra. Nhưng, đau xót thay, quy định là quy định. Thậm chí người thân của người quá cố cũng có thể bị xử lý vì dám đưa cha, mẹ, vợ, con, cháu… của mình lên cõi niết bàn bằng con đường phi chính thức.

Nói nôm na, họ đã an táng lậu?

Nhân danh chống dịch, ta sẵn sàng hi sinh lợi ích kinh tế, kiềm chế sự tự do đi lại của người dân; để hàng chục địa phương tự do ra quyết sách ngăn covid; thoải mái tung hô vắc xin tốt nhất là vắc xin tiêm sớm nhất như chân lý; thỏa hiệp với hàng hóa của quốc gia đang xâm lược biển đảo; khiến hàng trăm ngàn lao động bỗng da diết nhớ quê hương…

Những điều ấy có thể tốt nếu như trong ngắn hạn nòi giống Việt được bảo đảm an toàn.

Tuy nhiên, nếu cũng nhân danh chống dịch, ta để những đồng bào đã chết phải xếp hàng trước những lò hỏa táng, đến nỗi quá chật phải di tản nơi siêu thoát thì tôi nghĩ xử lý người vi phạm có cái gì đó nó mặn hơn cả nước mắt.

Anh Tuấn