Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2018

Bóng đá và niềm tự hào dân tộc

Tôi chả ngốc như ông thầy tiếng Anh kia, mang thói quen giao tiếp của nước ông ấy để đối chọi với văn hóa của Đại Việt.

Tôi cũng chả dại như mấy chú quần đùi áo số u-bê-kít-tăng dám khiêu khích niềm kiêu hãnh của dân tộc tôi mấy ngàn năm văn hiến.


Tôi chỉ rón rén đặt dấu chấm hỏi, rằng, trong trường hợp ông HLV người Hàn lỡ hoang tưởng mà phát hiện mình là người gốc Trung Hoa, thì theo ngôn ngữ đương thời “Dưới sự dẫn dắt của thuyền trưởng người Trung Quốc, tuyển Việt Nam đã chinh phục đỉnh cao châu lục” liệu niềm hứng khởi vẫn dâng cao không kiểm soát như hiện tại?


Chúng ta tự hào Ngô Bảo Châu là người Việt đứng trên đỉnh cao khoa học, nhưng chúng ta cũng ngậm ngùi rằng không có bất kỳ một thiếu nữ nào tự nguyện ở trần quấn cờ mừng vinh quang của anh ấy.

Chúng ta tự hào rằng nửa thế kỷ trước, bằng cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân đã khiến ngọn cờ quyền lực thế giới phải phải đổi gió, nhưng chúng ta cũng bẽ bàng rằng lớp trẻ hôm nay nhớ số múi trên bụng các cầu thủ còn siêu hơn việc nhớ thế hệ trước đã diệt được bao nhiêu tên Đế quốc.


Tôi chỉ muốn nói rằng, nên tiết kiệm khái niệm “Tự hào dân tộc” đối với 90 phút vận động để có được bảng điện tử hiện lên con số rất cơ học!


Trần Tuấn

Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018

THỜI GIAN VÀ TIẾN SĨ BÙI HIỀN?

 Đọc mấy câu (hình như) là của Bút Tre này:

“Anh đi công tác Pơ-lây – cu dài dằng dặc biết ngày nào ra/ Anh đi công tác Buôn mê – Thuột xong một cái lại về với em”

… thì bỗng  mình phục bác Bùi Hiền! – Người mạnh dạn đề xuất cải cách tiếng Việt, mà theo tính toán sẽ tiết kiệm được khá nhiều thời gian viết lách.


Vấn đề là tới khi nào sự hữu dụng mới được ghi nhận?

Giống như ả Thúy Kiều bán dâm và trộm cắp phải chờ tới khi chế độ phong kiến bị thủ tiêu mới được chính thức mặc cái áo “Tài hoa mà phận bạc”.

Giống như mấy địa danh mà mình quen gọi là Đắc Lắc, Con Tum…. Nhưng đến giờ vẫn thấy cách viết chính tả chính thống cứ ngọng nghịu thế nào.



Mình đố ai dám phê bình cách viết của tỉnh Đắk Lắk (Đắc Lắc), Thành phố Pleiku (Pờ lây cu), Người Khmer (Khơ me)… là biến tướng, sai chính tả đấy?



Cho nên mới nói, quần chúng càng ném đá (phê bình) thì càng thấy vị Tiến sĩ này giống Nguyễn Du. Nhất là câu cảm thán “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như? – Không biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng?”…

Anh Tuấn





Thứ Hai, 8 tháng 1, 2018

Chân lý chỉ là rùa so với mũi tên thời đại

Một sự ngẫu nhiên mà khéo như cố tình sắp xếp. Đó là hai thông tin ấn tượng trong ngày đối với tôi.

Một là bài viết của Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang “Lịch sử giúp chúng ta hiểu hiện tại, dự báo tương lai”.

Trong đó, ngoài chuyện đề cập mối nguy của chế độ trước vấn nạn sâu bọ, có nói tới chuyện triều Trần sụp đổ do chấp nhận hiện trạng trong dân có biến, lờ lớ lơ Thất trảm sớ của đại thần Chu Văn An khiến ông phải tự nguyện “trảm” chức của mình.



Thứ hai, Phó Chủ tịch quận 1, "Tư lệnh an ninh vỉa hè" Đoàn Ngọc Hải xin từ chức, thực hiện cam kết hồi đầu năm ngoái rằng không đòi lại vỉa hè cho người đi bộ sẽ cởi áo từ quan.

Ngẫu nhiên là hai thông tin trong một ngày đề cập đến việc treo áo vì những bất lực trước những điều mà đa số lòng dân biết rõ là sai trái: Tham nhũng và Vỉa hè tặc!

Khéo như sắp xếp ở chỗ cả hai sự kiện cách nhau hơn nửa ngàn năm trên gián tiếp khẳng định rằng Chân lý chỉ là con rùa so với mũi tên thời đại.

Giống như Thuyết Nhật tâm chịu hắt hủi nhiều trăm năm trước khi trở thành đáp án chính thức về vũ trụ của học sinh tiểu học ngày nay. Giống như ông Bí thư tỉnh Vĩnh Phú Kim Ngọc, phải chờ tới lúc Kinh tế thị trường kéo đời sống của nhân dân như gió đẩy diều mới mới được truy tặng huân chương.

Và, những “giống như” ấy liệu có ứng vào ước mơ của Nguyên Bí thư thành ủy Đinh La Thăng?, rằng: “Kể từ giờ phút này, toàn bộ tâm trí của tôi sẽ dành cho một việc duy nhất đó là cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác Hồ vĩ đại, kế tục xứng đáng sự nghiệp vẻ vang được gây dựng bởi các vị tiền bối mà tôi kính trọng”.

Ông đã quyết thế, chắc không để lời nói gió bay rồi ngậm ngùi lui chức. Nhưng tiếc rằng, ước mơ ấy bị chặn lại bởi những cáo buộc sai phạm trước đó hàng chục năm, thời ông làm chủ tịch PVN.


Nếu thời Trần mà có pháp luật tương tự hiện nay thì Hoài Văn Hầu đã chết từ lúc hùng hổ lao vào hội nghị Bình Than, bóp nát quả cam trước mặt các đại thần. Còn đâu cửa mà khẳng định tuyên ngôn trên cờ “Phá cường địch, báo hoàng ân”?


Anh Tuấn