Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

Nâng cấp đạo đức xã hội: Đánh hổ cũng phải diệt ruồi


Chính phủ vừa thống nhất Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết  33/2014 của Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Mục tiêu là đến 2020 ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức xã hội và 2030 đẩy lùi nó.

Nghĩa là Việt Nam cần tối thiểu 15 năm để chuyển từ thế phòng ngự sang tấn công hiện tượng này. Nói cách khác, ta chấp nhận quãng thời gian tròm trèm một thế hệ nhằm kéo ngược đà suy thoái của nếp nghĩ cùng hành động phi chuẩn mực của số lượng không nhỏ người Việt hiện nay…

Và thật ngẫu nhiên, thời điểm ban hành Nghị quyết cũng gần trùng với việc VTV phát sóng chương trình “Điều ước thứ 7” – chuyện tình đẹp như nghệ sĩ của hai người hát rong.

Không biết câu chuyện này đã lấy được bao nhiêu nước mắt của khán giả, vì nội dung xúc động, thấm đẫm tính nhân văn. Tuy nhiên, điều đáng nói,  chuyện tình này từng bị nhà đài gác bởi khá nhiều chi tiết giả mạo.

Ấy thế mà rồi nó cũng vẫn lên sóng, rồi dùng chính sự dối trá khiến bị kiểm duyệt đó đánh vào những trái tim đa cảm đang thổn thức theo những cung bậc cảm xúc trên màn hình…. Khi phát hiện, chắc chắn người xem không thể không bị tổn thương, cả Thanh và Đào, hai nhân vật bất đắc dĩ đóng các vai đẹp như cổ tích có lẽ còn chịu hệ luỵ nặng nề hơn nữa.

Còn khái niệm nào thay thế cho “tội ác” khi hàng triệu khán giả của Đài truyền hình Quốc gia bị lừa?

Có lẽ cú chơi khăm này không khác mấy về bản chất so với kỹ thuật đánh bom vào lòng trắc ẩn của mấy tay hành nghề chăn dắt ăn xin?

Và dù VTV có giải thích rằng do quá tin tưởng vào nhân vật nên khi được người trong cuộc đính chính lại mới quăng phóng sự ấy lên truyền hình thì đạo đức của người truyền tải thông tin tới quần chúng ở đâu khi bỏ qua bài học vỡ lòng của nghề báo là thẩm định thông tin?
…………………



Cũng thật ngẫu nhiên, thời điểm ban hành nghị quyết khá trùng với việc công an TP.HCM vừa  bóc gỡ đường dây làm bằng tiến sĩ giả giá  “những” 9 triệu đồng.

Tất nhiên, đa số những khách hàng của hoạt động tội phạm trên không phải mua bằng rồi treo tủ kiếng hoặc cho mục đích giảng dạy, rồi tạo ra  lứa học sinh là nạn nhân của kiến thức dỏm. Những người bỏ tiền mua cái lý lịch học vấn ấy có lẽ chỉ nhằm lót cho nấc thang vị trí quản lý nhà nước.

Suy theo cách biện chứng hiện nay, bằng cấp cao thì cơ hội trở thành lãnh đạo cũng cao, nên khả năng nhiều người đã trót lọt thương vụ học vị  nắm cây gậy điều khiển của giàn giao hưởng đạo đức xã hội trong tương lại cũng chót vót. Và điều này đã phần nào manh mún qua hàng loạt các vụ việc mà báo chí phanh phui: Bằng giả xuất hiện trong ngành y tế, trong ngành giáo dục, ở cấp chính quyền thì len lỏi từ cấp xã trở lên… Nói chung, đa dạng ngành nghề nhưng duy nhất một dạng người.

Như vậy, họ , tiến thân bằng thủ đoạn lưu manh thì khó uốn con dân của năm 2030 phải có nhân cách nghiêm chỉnh, lương tâm sáng ngời?

Không thể phủ nhận hiện nay giá trị “học thật, làm thật” đang được tôn vinh,  và cơ quan chức năng cũng rất quyết liệt trước những gian xảo của hiện tượng “thùng rỗng kêu to, trình độ cấp II hoang khai Tiến sĩ”.  Tuy nhiên, hai điều trên là chưa đủ…

Vì, trong nồi canh, dù một lít a xít hay chỉ một giọt thôi thì cũng đều hỏng. 15 năm, thời gian để một thế hệ sinh ra và trưởng thành, nhưng chỉ chút sơ xuất hay lơ là thì thừa nguy cơ phải mất thêm vài cái 15 năm nữa…


Anh Tuấn