Thứ Hai, 18 tháng 10, 2021

Ngày căm thù dịch?

 

Trong một năm, chúng ta có hơn 1 tháng dành cho người chết nơi công cộng.

-        Tháng 7 Âm lịch – tháng cô hồn

-        27.7 – ngày Thương binh liệt sĩ

-        Chủ nhật tuần thứ 3 của tháng 11- tưởng niệm nạn nhân chết vì tai nạn giao thông.


Người nghèo trong dịch - Ảnh: TTO

đâTới đây, sẽ sinh thêm một ngày tưởng niệm nạn nhân chết vì COVID-19 nếu như đề xuất của Đại biểu HĐND TP.HCM Tăng Hữu Phong trở thành sự thực.

Đề xuất này cộng với ý tưởng xây tượng đài vinh danh ngành y của Đại biểu Trần Hoàng Ngân sẽ là sự phối hợp vừa vinh quang, vừa bi thương không chê vào đâu được.

Tôi cho rằng chọn 11-10, ngày ban hành Nghị quyết 128 tạm thời đình chỉ các Chỉ thị 15, 16, 19 là hợp lý hơn cả.

Bởi, nó chấm dứt cơn ác mộng hơn 1 vạn người chết, hàng triệu người sợ hãi thị thành, hệ thống y tế kiệt sức, nhiều bệnh nhân tâm thần, vô số học sinh nguy cơ đào tạo lại, GDP quý III giảm hơn 6%....

Nó cũng đánh dấu việc chấm dứt lòng căm thù dịch như căm thù giặc.

Và ngày tưởng niệm nạn nhân covid đồng thời cũng nên là ngày kỷ niệm việc đắp chiếu 3 cái Chỉ thị kia.

Còn sau này, nếu nó được ghép thêm vào ngày lên án gì đó thì hãy đợi đề xuất của các đại biểu.

Trần Tuấn

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2021

Lịch sử 'con ngáo ộp'?


Tôi nghĩ, những thiệt hại về lòng tin, kinh tế, nhân mạng trong covid vừa rồi xuất phát từ nỗi sợ hãi không đáng có của nhiều vị, trong đó có tôi tại một giai đoạn.

Câu khẩu hiệu Chống dịch như chống giặc từ chính phủ; tuyên bố Không thắng không rời TP.HCM từ đại diện quân đội; khẳng định Không thể áp dụng luật bình thường trong tình hình dịch của lãnh đạo một địa phương… cho thấy virus corona ám ảnh tâm trí của giới trên thế nào.



COVID-19 nguy hiểm hay cách xử trí của tầng lớp có quyền xử lý nguy hiểm?.

Hãy xem, dân số TP.HCM gấp mấy lần Bình Dương, trong khi tháng cao điểm chết chóc thì tỉ lệ tử vong ở Bình Dương thấp hơn rất nhiều dù ca nhiễm hàng ngày một 9, một 10.

Hãy nghe, Bí thư TP.HCM thừa nhận Thu dung F0 xong rồi không biết làm gì, ai khỏe vượt qua, ai mệt thì đi bệnh viện.

Hãy biết, trên 80% người nhiễm SARS-CoV2 tự khỏi, tức chỉ khoảng 20% nguy hiểm. So với xác xuất người ra đường có thể bị tai nạn giao thông có lẽ là một vực một trời.

Và cái giá phải trả cho nỗi khiếp sợ con ngáo ộp cúm đó là hàng trăm ngàn người tháo chạy khỏi Sài Gòn (đúng tên là TP.HCM) trong nỗi thấp thỏm đặt cược với chốt chặn, với mưa gió, với tính mạng; là hàng loạt cán bộ luôn tuyên bố “vì dân” bị rụng chức hoặc rụng mặt nạ; là số phận của mười mấy con chó mèo vĩnh biệt số phận trung thành của mình trên mặt báo nước ngoài...

Nên, việc thay đổi quan điểm về phòng chống dịch hiện nay dù rất muộn nhưng tiến bộ hơn.

Tuy nhiên, (tạm) thay thế chỉ thị 15, 16, 19 bằng cách tô màu cho các vùng liệu đã hợp lý khi nó phụ thuộc phần nhiều vào quy mô và tần xuất xét nghiệm?.

Lỡ bản đồ màu liên tục thay đổi thì những đối tượng chịu ảnh hưởng lại luống cuống kiểu hôm nay show hàng, ngày mai giấu hàng?; hôm nay cho học trực tiếp, ngày mai lại đuổi về nhà online…?

Rồi chuyện phủ vắc xin cho lứa tuổi thiếu niên. Cái tuổi mà xác xuất nhiễm và tử vong hạng bét trong số 20% trở nặng ấy có cần phải chích thứ dược chất mà thế giới đang khiên cưỡng áp dụng trong tình trạng khẩn cấp?.

Ta có “chiến dịch tiêm vắc xin chưa từng có trong lịch sử”, còn lịch sử sẽ gọi chiến dịch ấy thế nào là câu chuyện khác.

Mình cứ cười nhạo thế giới, xong hấp tấp học tập thế giới, xong lại chả có gì gọi là sáng tạo so với thế giới… thế chẳng hóa ra khoa học quản lý lẫn khoa học tự nhiên của mình là chú Tễu à?

Trần Tuấn

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

Tượng đài chó?

 

Mấy nay, chuyện 15 con chó, mèo bị một xã trong huyện của tỉnh Cà Mau giết chết trở thành dòng chủ lưu cho đa số người dùng Internet. Về chuyện này, cán bộ hoặc đổ lỗi cho chó chạy rông, đổ lỗi cho chủ dương tính hoặc gián tiếp đổ lỗi cho sự thiếu tìm hiểu kiến thức của mình trong việc bệnh lây từ chó sang người.



Từ chuyện chó, những vấn đề thời sự về di tản khác như đi bộ cả trăm cây số, chết dưới gầm xe tải trên đường hồi hương, thai chết lưu lúc cùng mẹ về quê… phần nào bị lu mờ. Nó thậm chí chuyển hướng, được khiên cưỡng nhìn dưới góc độ “ấm lòng”, “tình người”, “xúc động người dân được hỗ trợ”… dù cái nguyên nhân của những “ấm lòng”, “xúc động” đó xuất phát từ những nghiệt ngã của những biện pháp chống dịch.

Từ chuyện chó, những bất hạnh của quyền người như bị phá cửa cưỡng chế, bẻ tay dong đi ngoáy mũi, phạt ra đường vô tội vạ... cũng không còn được quan tâm như mong đợi.

Cũng từ chuyện chó ở một xã, các mặt trận rộng lớn khác như khắc phục hậu quả dịch, phục hồi sản xuất, chém tính cục bộ vùng, trảm lãnh chúa địa phương, tiêu diệt tư duy nhìn covid như quỷ…. phần nào bị chìm lấp về tỉ trọng thông tin.

Âu, chó cũng có cái giá của chó.

Giả sử nếu dựng tượng đài mang tên giải cứu, có khi một tầng lớp nào đó đề xuất biểu tượng là mười mấy con chó mèo không nhỉ?

Trần Tuấn

Thứ Hai, 4 tháng 10, 2021

Đói lắm cũng phải chờ quy định!

 

Cái tư duy coi dịch là giặc nó sâu rễ, bền gốc kinh khủng thật.

Trước làn sóng người ùn ùn đổ về bởi thất vọng và sợ hãi cái đói, 13 tỉnh miền Tây dứt khoát đề nghị ngưng cho người dân về quê.

Ở chiều ngược lại của đất nước, Thừa Thiên-Huế khẳng định sẽ xử phạt người từ vùng dịch quy cố hương.

Trên không, gần hai chục địa phương có sân bay từ chối mở lại việc vận chuyển hành khách.

Và nhiều vụ việc trước đó, vì quyết liệt thủ tiêu virus mà đối xử với dân như tội phạm.

Người ăn xin trước dòng dân chúng lũ lượt về quê tránh đói

Như vậy, người dân ở vùng nguy hiểm muốn thoái lui khỏi "chiến trường", trở về nơi chôn rau cắt rốn thì bị cho là rước dịch về quê hương?.

Năng lực chăm lo đời sống, khảo sát xã hội, dự báo tình hình từ cấp cơ sở đến tầm cao hơn có nhất thiết phải lu mờ bởi nỗi ám ảnh “trách nhiệm”?. Bởi, nếu thực năng lực và có sự chuẩn bị thì niềm tin của hàng chục nghìn số phận tay xách nách mang sẽ không bị thất thủ như hôm nay.

Thật ra, khi tình trạng vỡ trận hồi hương đã diễn ra thì oán trách, đổ lỗi cho cán bộ là cách làm dễ nhất. Góp ý, đề nghị giải pháp mới là cách làm đúng đắn lúc này.

Tuy nhiên, như đã nói, cái tư duy sợ trách nhiệm, coi dịch như giặc ngấm sâu quá rồi. Nó chi phối cách làm của cán bộ lẫn những kẻ không cán bộ. Nên, để khỏi tiếp tục sai lầm, hãy loại bỏ hoàn toàn cách ứng xử với virus corona đi đã

Hồi chiều, tại góc cầu Tân Thới Hiệp, giữa dòng người chằng chịt hành lý xuôi hướng An Sương để về miền Tây, tôi đã thấy xuất hiện một ông lão ăn xin ngồi cùng chiếc rổ nhựa rách tả tơi. Đó là hình ảnh ấn tượng đầu tiên kể từ sau “bình thường mới”.

Khổ vậy. Đói lắm cũng phải chờ hết giãn cách mới có thể đi xin.

Anh Tuấn