Bố nói con sai, con la làng bố bịa đặt - Đó là câu chuyện của hai nhân vật sau một loạt clip cặp đôi kêu cứu vì cha mẹ không cho cưới.
Chuyện bố con nảy sinh mâu thuẫn không phải hiếm,
song tố nhau trên báo chí thì khá đặc biệt. Chắc do nhà ứ có cửa nên chả có thứ
gì đóng, đành vạch áo cho thiên hạ ngắm sẹo.
Thôi thì đành thông cảm cho việc họ nghèo xơ xác về tiền
bạc lẫn văn hóa đi. Chuyện tớ muốn nói là cái nghèo sự lương thiện của một số phóng viên cơ quan truyền thông.
Seri phim "Giải cứu quý tử" này được tán phát trên Internet có thể có mục đích kêu cứu, có
thể có mong muốn giải tỏa ức chế, cũng có thể là nhằm bôi nhọ ông bà nội của thiên thần
đang nằm trong bụng cô gái kia… và nó nhận được phản ứng nhiều chiều của hàng
triệu cá nhân lướt mạng. Tuy nhiên, các bình phẩm đa phần chỉ xoay quanh mối
quan hệ cơm khê, canh mặn trong một gia đình.
Thế nhưng, khi
bắt đầu có tờ báo chính thống nhao vào, thì chuyện bỗng chuyển từ “Ép dầu ép
mỡ ai nỡ em duyên” sang hướng tung hê ngầm
thói chửi đổng thời Tú Xương “Nhà kia lỗi phép con
khinh bố - Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng…”.
Nghĩa là lợi dụng cơn bão dư luận đang ùn ùn kéo xuống
nhà ấy, nhiều tờ báo nhân danh phản ánh
khách quan sự việc để “làm rõ” những ức chế rất riêng tư của gia đình họ. Phóng viên tờ báo này (cụ thể là Thanh Niên)
tìm phỏng vấn người cha, phóng viên tờ báo khác (cụ thể là Một Thế giới) thúc ông con bày tỏ thái độ. Thế là cặp Phụ -
tử tội nghiệp nọ bất đắc dĩ phải khua khoắng trước công luận về cái sự từ nhau của họ.
Việc các ngòi bút thèm view “đâm bị thóc, chọc bị gạo” để các ngôi sao
trong giới giải trí úp mũ, chụp váy vào đối phương hiện nay đã thành chuyện thường
ngày ở Việt Nam. Có lẽ những ngòi bút này muốn lấn sang đột phá các giá trị gia
đình?.
Tớ hi vọng những câu chuyện con cái, cha mẹ, ông bà ném
tất tật những cảm xúc dơ dáy tương tự trên kia không trở thành một trào lưu khai thác của
cánh báo chí cách mạng nhà ta.
Anh
Tuấn