Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

NẾU GIA ĐÌNH BỊ CÁO MANG ẢNH CHA GIÀ TỚI TÒA?



Hôm 30-11, một người dân TP Cà Mau tổ chức người đưa quan tài sang bên láng giềng đang chuẩn bị khai trương quán cà phê.
Sự việc bắt đầu từ sự tranh chấp đất đai trước đó, không ai chịu ai, nên chờ đúng dịp bên kia bắt đầu khởi dựng việc làm ăn thì bên này mang sản phẩm dành cho người chết tới với lý do “tặng”.
Ở Quảng Nam hồi đầu tháng trước, để đòi giải quyết bồi thường đất thỏa đáng tại công trình đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, người dân cũng mang quan tài đặt giữa đoạn thi công để gây sức ép với chính quyền…
 Trước đó, còn rất nhiều vụ mà  tấm áo cho người chết (áo quan) được người sống ưu tiên trong danh mục những công cụ bày tỏ thái độ.  Dường như họ  đặt hi vọng điều này sẽ có tác dụng giống như những tấm gương “quan tài diễu phố” ở vài địa phương phía Bắc trước đó.


Những việc này, cơ quan chức năng đã vào cuộc, song cán cân giữa việc giải quyết sự vụ (thường là ở mức xử lý hành chính) với hệ lụy tâm lý, tinh thần, tình cảm… trong dư luận e quá chênh lệch.
Điều này hoặc phản ánh sự nhân nhượng của chính quyền trước những hành vi mang biểu tượng của âm binh (quan tài), hoặc phản ánh sự lúng túng khi quá trình giải quyết những việc này thiếu những biện pháp chế tài thích đáng.
………………
Một hiện tượng khác cũng khá phổ biến hiện nay, đang diễn ra tại nhiều tòa hình sự, đó là mang di ảnh nạn nhân tới các phiên xử.


Tôi không hiểu nếu trước đây các thẩm phán khi xét xử ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén mà gặp những tình huống như thế thì  có đủ bản lĩnh để  không tuyên án tử hay không?. Và số phận những người không phạm tội kia sẽ đi theo hướng nào?
Tôi cũng không hiểu, nếu người nhà của bị cáo cũng tề tựu, mỗi người ôm trước ngực hình ảnh cha mẹ già, vợ trẻ, con thơ … (thông điệp về  viễn cảnh tương lai gia đình mù mịt khi thiếu vắng người thân)  để  đối đáp lại với việc mang di ảnh nạn nhân thì tòa án có quy định nào ứng xử với việc “biểu dương lực lượng” từ hai phía ấy? Hội đồng xét xử, dù gì cũng là con người,  có phải thực hiện thao tác che tấm vải đen trên mắt giống như thần Công lý để đảm bảo tốt hơn sự công tâm không?.  
……………………………

Hai hiện tượng bày tỏ thái độ bằng quan tài và mang hình ảnh nạn nhân tới công đường dù thông cảm lắm cũng chỉ dừng lại ở mức chia sẻ với những bức bối của bên nhận là bị hại, nhưng nó lại gây ngột ngạt cho người xử lý.  Nó cũng có khả năng  khiến công luận bất bình bởi e ngại sự công tâm, tinh thần thượng tôn pháp luật bị can thiệp một cách rất “mềm”. Anh Tuấn

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Một bản dịch làm hèn đất nước



Cuốn sách giáo khoa do NXB GDVN phát hành tháng 8 mới đây có bài “thơ thần” Sông núi nước Nam của Lý Thường Kiệt – được coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam. Nguyên văn:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịc lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”


Nhiều thế hệ người Việt đã nằm lòng bản dịch sau:
“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành đã định ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”
Còn cuốn sách trên trình làng một bản dịch khác:
“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ”
Bản dịch này gây choáng váng vì quá mới mẻ, cứ như một anh nông dân  cả đời mê mẩn với nón quai thao, áo tứ thân, yếm thắm bỗng đùng đùng bị ép duyên cùng một nàng Tây quần jeen, áo ba lỗ mới coóng
Trang Infonet.vn dẫn giải thích của một trong những người biên tập cuốn ngữ văn này là  PGS.TS Đỗ Ngọc Thống – Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học cho rằng, vì là bản dịch nên ngôn ngữ dù có khác nhưng ý của bài thơ không đổi.

Xin thưa lại
Đồng ý đó là một bản dịch nên việc tuân thủ niêm luật của thể thơ Thất ngôn tứ tuyệt có thể bỏ qua, dẫu khi đọc các chữ cuối của bốn câu đều rất trúc trắc và chát chúa vì sử dụng đa số thanh trắc “Ở, sở, vỡ”…  Tuy nhiên, về ý thì rõ ràng đã khác nhau một trời một vực. Và nó nằm ở chữ “mày” – Chúng mày nhất định phải tan vỡ.
Lý do, bài thơ là một tuyên ngôn, mà tuyên ngôn thì chỉ những người đứng đầu nhà nước mới nói.
Bậc vua chúa khi phát ngôn lời lẽ phải xứng với phẩm giá, do thế, họ không thể sử dụng cách xưng hô “tao – mày” của trẻ trâu khi giao tiếp, đặc biệt là trong hoàn cảnh quốc gia đối quốc gia. 
Tiếng  nói đại diện cho nhà nước khi đối diện thế lực hung hãn có thể gọi thế lực đó  là “quân xâm lược”, “lũ giặc cướp”, và khi đối đầu có thể mắng “chúng bay”, “các ngươi”… như thế  vừa thể hiện tác phong đường hoàng vừa có cái  phong thái uy nghi của người lãnh đạo.
Lịch sử ngoại giao Việt Nam chưa khi nào sử dụng ngôn ngữ thô thiển, bất lịch sự khi ứng xử với các tình huống. Thế mà không hiểu phông văn hóa của người chọn bản dịch ra sao mà biến bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam thành một tiếng chửi của anh bán cá ngoài chợ.  


Đôi khi tiếng nói đại diện nhà nước lệch một chút thôi, cái hồn vía của dân tộc đã đổi màu. Trong trường hợp cụ thể trên đây,  chỉ với một chữ “mày”, bài  thơ thần đã biến thành một bài thơ rất thường.

Lo nhất là nếu vẫn giữ bản dịch này, nhiều khả năng các thế hệ học sinh sẽ hình dung tư thế của đất nước thời điểm nhà Lý chống giặc Tống thấp chứ không cao. 
 Anh Tuấn

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

Công nhận mại dâm mới là nhân văn


Trước tình hình mại dâm và tội phạm liên quan đến mại dâm diễn biến phức tạp, hôm 23-10, Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM đề xuất thí điểm gom các cơ sở kinh doanh “dịch vụ nhạy cảm” vào một khu vực nhằm dễ quản lý. Đề xuất này được nhiều Đại biểu Quốc hội tán thành.
Ngày 31-10, Báo Tuổi trẻ công bố kết quả khảo sát của bạn đọc báo này về việc cấm hay cho phép hoạt động mại dâm tại Việt Nam, kết quả, trên 80% người tham gia khảo sát ủng hộ phương án 2.
Đề xuất của cơ quan chức năng, ý  kiến từ Đại biểu Quốc hội, hay con số trong cuộc khảo sát dẫu chưa  mang tính đại diện  cho ý kiến của người dân cả nước song nó gián tiếp khẳng định rằng cái lạc hậu không nên tiếp tục nhân danh đạo đức để phán xét những tín hiệu đại diện cho quan điểm nhân văn nữa – Ít nhất là trong   câu chuyện về mại dâm.



Nhân văn ở chỗ, đã có sự thấu hiểu và chia sẻ với bức bối  của những cá nhân có nhu cầu tình dục nhưng không thể được đáp ứng bằng con đường chính danh. Mà danh sách những cá nhân ấy không ít, bao gồm người khuyết tật, người chưa lập gia đình, người mà một nửa của họ vì lý do nào đó đã ra đi quá sớm…
          Nhân văn ở chỗ, đã có sự thấu hiểu và thông cảm trước nỗi đau đớn và tủi hổ của những thân phận chịu sự khinh ghét, miệt thị của cộng đồng vì làm cái việc bị nhiều người hiện nay mỉa mai là “bán phấn buôn hương”, “bán trôn nuôi miệng”.
Nhân văn cũng ở chỗ, nếu được quản lý thì cả người bán và mua dâm tránh được rủi ro bệnh tật, thoát được nguy cơ phải đối diện với những tay anh chị giang hồ.

Nhiều ý kiến phản ứng rằng, nếu chấp nhận sự tồn tại của mại dâm sẽ đi ngược lại truyền thống, hạ thấp nhân phẩm con người, tăng nguy cơ phá vỡ hạnh phúc gia đình.
Phá vỡ hay ngược lại là điều này có tác dụng cố kết những thành viên trong một mái nhà hơn? Đứng trước khả năng đối tác có thể đi ra ngoài thì một nửa kia đương nhiên phải có ý thức giữ gìn và sưởi ấm thêm bầu không khí hôn nhân. Vợ chồng mà lúc nào cũng thẩm thấu sự  “tương kính như tân” – tôn trọng, yêu kính nhau như thủa ban đầu – thì hấp lực nào kéo ra được?
Thêm nữa, sẽ không phải bàn tới chuyện nhân phẩm thấp hay cao  nếu sự trao đổi tình dục có thu tiền này được coi là một “nghề” – tức bình đẳng với những nghề nghiệp trong xã hội hiên nay.
Về truyền thống? Hệ tư tưởng phong kiến trước đây từng “Trọng nông, ức thương”, nhưng hiện nay doanh nhân (từng bị coi rẻ, gán cho các tiếng “con buôn”, “phe phẩy” ấy) được coi là đội ngũ có đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước. Ngày xưa, một trong những “tiêu chuẩn” làm “anh hùng” là có năm thê, bảy thiếp,   giờ lớ xớ muốn anh hùng kiểu đó, coi chừng mà luật pháp trừng trị…
Nghĩa là điều gì tiến bộ, lợi nhiều hơn hại thì đương nhiên xác lập một chuẩn mực, cách nghĩ  mới.
Mại dâm đã có quãng thời gian sống gần bằng lịch sử loài người, vậy tại sao không dũng cảm công nhận khi nó mang lại những điều tích cực như trên?
Và nếu đã công nhận thì không cần phải né tránh việc thỏa mãn nhu cầu bản năng muôn đời của loài người bằng tên gọi “dịch vụ nhạy cảm”. Hãy cứ kêu đúng bản chất là “dịch vụ tình dục”.
Nói thêm, hệ tư tưởng nền tảng hiện nay tại Việt Nam đã chỉ ra rằng Tồn tại xã hội quyết định Ý thức xã hội…  
Anh Tuấn

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

VIẾT LÚC PHÊ THUỐC LÀO


Đợt lâu rồi, tớ có suy nghĩ đại ý rằng Pháp luật không truy cứu trách nhiệm với những người không có khả năng kiểm soát hành vi – tức bị tâm thần – vậy nên chăng những ai phê ma túy cũng được hưởng sự ưu tiên ấy?.  Vì rõ ràng khi phạm tội ác thì tính người trong họ đang bị phong tỏa?.



Suy nghĩ ấy vừa ho he đã tắt ngấm vì chả ai đồng tình.  Lý do là sự mất kiểm soát về ý thức của những con nghiện không mang tính hệ thống, không bền vững, và không được xã hội thông cảm.

Nay bỗng đẻ thêm một vụ ông quý tử truy sát cha mẹ ruột trong cơn “ngáo đá”.  Liên hệ với chuyện gần đây một MC đoạt mạng người yêu, một ông em trai cắt chân chị gái… mình thấy có lẽ nên ngoan cố nuôi dưỡng  lại ý kiến này, bởi:

Xét về mặt sinh học, những người ấy bị chất kích thích chi phối nên khi thủ ác họ là nạn nhân của những vận động lộn xộn trong các tế bào thần kinh.

Xét về động cơ, trong cơn say sưa, họ xuống tay theo bản năng và tưởng ta đây thực hiện việc trượng nghĩa vì  “thế thiên hành đạo”, loại trừ con “yêu tinh” trước mắt mình.

Xét về không gian và thời gian, tác giả của tội ác khi thực hiện tác phẩm của mình sẽ đối lập hoàn toàn với chính họ trong khoảng vài giờ sau đó. Sự hung hăng được thay bằng nỗi hối hận, và cái tinh thần muốn làm tất cả, thậm chí đổi lấy cái chết, để được chuộc lại lỗi lầm cao hơn bất cứ thang bậc giá trị nào.


Nói chung, xét về gì đi nữa thì họ cũng là người không tỉnh táo lúc thực hiện hành vi lệch chuẩn.
……………………..
Nên  tớ cho rằng cần xem những kẻ phạm tội trong lúc bị mất năng lực kiểm soát hành vi  do ma túy  nằm trong đội ngũ những người tâm thần nhận đặc ân của bộ luật tố tụng hình sự.

Và đừng sợ vì điều này mà tội ác sẽ trăm hoa đua nở, nếu đi kèm theo đó là hành động phun thuốc trừ sâu vào cái kén của tội ác. Ví dụ ra một luật, đại ý: Hãy  nói kẻ đưa ma túy cho anh là ai, tôi sẽ cho anh biết hắn chính là người gánh những hành vi hình sự lúc phê thuốc của anh!
Luật viển vông hay không còn tùy thuộc vào tác động của nó với xã hội thế nào.
Anh Tuấn

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2015

NGƯỜI VÀ HỔ



Một ông anh có ít nhất ba “ván” tù từng nói rằng, hai trong số nhiều cách để sinh tồn và gây dựng “số má” trong giới xã hội đen là trấn áp và đổ điêu. Trấn áp để đối thủ tiêu vong ý chí phản kháng, đổ điêu để lôi kéo lẽ phải thuộc về mình (vd: thằng ấy nó sỉ nhục tôi quá đáng).
Tôi thì cho rằng những phương pháp đó không đơn thuần chỉ tồn tại trong cách ứng xử của giới lưu manh mà còn hiên ngang  trở thành chân giá trị trong tư duy của vài  người thiếu quân tử. Câu chuyện con hổ ngoạm đứt tay chị Trần Thị Yến trong vườn thú tại Nghệ An là ví dụ  gần.



Theo báo chí, báo cáo của Hạt kiểm lâm Diễn Châu gửi lên chi cục kiểm lâm Nghệ An  khẳng định chị Yến là nhân viên hợp đồng tại khu du lịch Trại Bò. Trong quá trình cho hổ ăn đã xảy ra sự việc trên. Báo cáo cho hay đây là vụ tai nạn lao động do nhân viên không tuân thủ quy tắc chăm sóc thú vật hoang dã.
Tuy nhiên, khu du lịch này không trưng ra được hợp đồng lao động của chị Yến. Nói cách khác, theo họ,   người bị hổ vồ này đích thị là lao động chui? Đúng là thiệt đơn thiệt kép!
Về mặt lý, khi không chứng minh nạn nhân là nhân viên thì đương nhiên nạn nhân là du khách. Khổ nỗi, Cơ quan chức năng khẳng định khu sinh thái Trại Bò chưa đăng ký thành khu kinh doanh du lịch nên việc bán vé đón khách vào tham quan là sai.
Nghĩa là để tránh cái sai này, những vị chủ trại thú nhất quyết gán cho chị Yến là người có nhiệm vụ chăm sóc hùm, để nếu có bị xử lý về hành vi chưa ký hợp đồng thì cũng nhẹ hơn việc  kinh doanh lậu!
Nếu  như suy luận trên đúng thì sự đổ điêu này khá cao tay dù tính nhân văn thấp tẹt, vì đã trắng trợn cộng vào nỗi đau của người hút chết thêm khuyết điểm cẩu thả, vô trách nhiệm của “nhân viên hợp đồng”.
Và khi kịch bản “đổ điêu” nhằm né việc mở cửa vườn thú lậu cơ bản hoàn thành rồi thì họ thực hiện việc “trấn áp” sao? 
Cứ đợi xem cô thợ may Trần Thị Yến có tự nhận mình là tay chăm hổ không.  Vì cô ấy đang cần khoản chi phí lớn  điều trị vết thương. Trong trường hợp nếu ngoan ngoãn nghe lời ai đó để có thêm tiền thì khó mà không ngoan... 
Anh Tuấn

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

NHỮNG CƠN BÃO MANG TÊN “SỐ ĐÔNG”


Nhiều người Việt thuộc mấy câu vần điệu sau, coi là định nghĩa nôm na về hoa sen, và (có lẽ) từ đây, họ  khẳng định sen là loài hoa tượng trưng cho sự thanh quý
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh, bông trắng lại xen nhụy vàng
Nhụy vàng, bông trắng, lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn


Ai đã gán cho sen là loài hoa bất nghĩa?

Tuổi thơ mình gắn bó khá nhiều với quê hương nên mình biết mùi bùn không lợm. Bùn có mùi thơm của bùn, và mình từng có những giấc ngủ rất yên bình trên cánh tay của ông nội hàng ngày vẫn sục xuống những lớp đất nhão nồng ấm pha chút ngai ngái của rêu, của cỏ… để gặt lúa, mò cua.

Và mình cho rằng, tác giả của mấy câu lục bát trên trong lúc ngẫu hứng đã gán cho một biểu tượng hoa của làng quê hai tính xấu “Vô ơn” và “Mất gốc”.
Vô ơn và mất gốc ở chỗ, bùn đất là môi trường để sen sinh sống, nhưng tới lúc nở hoa và tỏa hương rồi thì quay lại so sánh với nơi từng dung dưỡng mình bằng một tính từ sặc mùi miệt thị - Hôi tanh!
Sử dụng chữ hôi tanh, tác giả đã dõng dạc đặt người mẹ (bùn) và đứa con (sen)  ở hai trạng thái đối lập: “cao quý, mến yêu” và “ghê tởm, hèn hạ”! Thậm chí còn nhắc đi nhắc lại như một động tác vỗ ngực của đứa trẻ mất nết trước khi hạ nhát dao mang tên “bất hiếu” xuống bậc sinh thành (Lá xanh, bông trắng lại xen nhụy vàng – Nhụy vàng, bông trắng, lá xanh – Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn!)
Vậy nhưng, những người coi hoa sen là loài hoa thanh quý dường như coi sự đối lập đó là biểu tượng của  trỗi dậy, vươn lên đáng tự hào?

Lại nhớ tới truyện cổ tích Tấm Cám,  nhiều thế hệ coi cô Tấm là nhân vật tiêu biểu của triết lý “Ở hiền gặp lành”.  Cho đến một ngày xấu trời, các phụ huynh nhận ra rằng con em mình đang yêu quý một nhân vật có số đỏ (gặp Bụt, rơi hài). Nhân vật ấy cũng sở hữu trái tim của dã thú khi chế biến thịt em gái thành món mắm ngon gửi về cho mẹ kế thưởng thức... http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-11-25-tam-cam-phai-chang-la-cau-chuyen-canh-giac-

Nam – mô A – Di – Đà – Phật là sản phẩm của người Tàu?

Lại một câu chuyện khác, chuyện này mình khá mơ hồ nhưng cứ bày ra cho thoát cái lăn tăn nhiều năm nay. Ấy là câu niệm Nam – mô A – Di – Đà – Phật.
Theo một số trang mạng, hai chữ đầu “Nam – mô” có sáu nghĩa là “Kính lễ, Quy y, Phụng thờ, Cứu ngã, Độ ngã, Quy mạng”; hoặc “phiên âm tiếng Sanskrit Namah, có nghĩa như Quy y quyết tâm vâng theo, Cung kính và nương theo gửi đời mình cho Phật”… Tuy nhiên, xem phim nước ngoài  thì thấy các nhân vật nhà sư chỉ dùng “A – Di – Đà – Phật”.
Một bậc cao niên quê mình hơn mười năm trước lý giải: Đạo Phật sang Việt Nam bằng nhiều đường, trong đó có ngả Trung Quốc. Và chữ “Nam mô” là do người nước họ gắn cho với hàm ý nhận xét (hay “yểm”) chứ chả phải câu “niệm” gì cả, vì thực ra đó là một từ Hán – Việt đọc trại đi: “Nam vô” – Nghĩa là Nước Nam không có Phật!
Lý giải của cụ khiến mình lợn cợn vì  ngẫm ra không phải không có lý. Vì việc tuyên truyền nhằm cố gắng xác lập một niềm tin  cho đa số  đã từng được nước này sử dụng: tiêu biểu như cột đồng của tướng Mã Viện thời Đông Hán.
Theo nhiều tài liệu Sử, cột đồng này với sáu chữ “Đồng trụ chiết, Giao chỉ diệt”, tức Trụ đồng gãy, Giao chỉ không còn - được dựng lên sau khi Mã Viện đàn áp xong khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Việc này hàm ý vừa như một thông báo mị dân  hòng triệt tiêu ý định của người Việt là phá trụ đồng, vừa như một hình thức đánh dấu sự có mặt của thế lực phương Bắc tại nước Nam.



Nếu những suy nghĩ của mình về hoa sen, cổ tích Tấm Cám hay câu chuyện về việc “yểm” của người Trung Quốc  là đúng thì có lẽ cần ghi thêm cho dân tộc Việt một một phẩm chất chói sáng nữa – Đó là “tin người” – tin một cách bền vững những định hướng của vị nào đó khơi mào đầu tiên.
Biểu hiện rõ nhất của sự tin rồi đồng lòng sát cánh dung dưỡng niềm tin ấy là hiện tượng chung tay chĩa mũi dùi vào ngành giáo dục trong thời gian  xét tuyển nguyện vọng vào ĐH – CĐ mùa thi 2015.
Ở đâu cũng có thể gặp tiếng than thở của phụ huynh cùng những bức xúc của thí sinh vì phải chạy đôn chạy đáo giữa các trường, lặp đi lặp lại động tác rút-nộp hồ sơ nhằm có sự chắc chắn cao nhất giành được tấm vé ngồi trên giảng đường.
Họ mắng ngành Giáo dục nhưng quên mất nguyên nhân đầu tiên khiến họ vất vả chính là sự thiếu trách nhiệm với quyết định lựa chọn ngành, trường của chính thí sinh.
Giả sử chỉ có một nguyện vọng thì đâu gây nên cảnh chen lấn, chà đạp điểm số lẫn cơ hội của nhau? Đâu có hiện tượng cùng nhau vác loa than thở chuyện khó khăn, chật vật  tự mình gây ra?
Lại thấy thương cụ Tú Xương, tài như thế mà thi bảy lần cũng chỉ có cái bằng tương đương như cấp 3 bây giờ.  Cụ chửi đời, chửi thời nhiều nhưng không thấy chửi bản thân hay triều đình vì lý do thi nhiều mà vẫn trượt cả.
………………………….
Vậy mới thấm thía rằng, khi số đông suy nghĩ giống nhau thì điều gì cũng có khả năng thành chân lý!. Anh Tuấn

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

ĐÊM Ở GA TÀU


Hôm  trước ra ga tàu chờ đón ông bạn từ Bắc vào.  Trời lúc hai giờ sáng lợt lạt màu trăng, nghe tiếng nhạc vàng rên rỉ từ chiếc máy điện thoại tàu bỗng có gì đó đơn độc dù tiếng cánh muỗi vẫn nhộn nhịp bên tai…



Cái cảm giác được tư lự buổi đêm lâu lắm mới quay về. Lại  nhớ thời sinh viên chăm chỉ hì hụi đạp xe qua cầu Sài gòn ngồi đốt thời gian tại Phố Đêm của mấy thằng lười học với nhau,  và xa hơn nữa là tâm trạng  của thủa cầm tấm gương nhỏ nhoài  qua song cửa sổ, đón trăng.

Dài tay thêm nữa, tay ơi
Một lần thôi, một lần thôi… cuối cùng…
Ghé nghiêng sang phía bão bùng
Ghé nghiêng sang phía dòng sông thiếu thời

Mải mê trôi giữa dòng đời
Hôm nay lại trở về nơi bắt đầu
Nôn nao bắc một nhịp cầu
Bên bờ ký ức dãi dầu Nhớ - quên

Nhặt tìm ngày tháng không tên,
Miền xa xôi, những êm đềm ngày xưa
Mặn mòi trong nắng trong mưa
Ấu thơ như thể mới vừa hôm qua.

Rưng rưng ngắm ánh trăng nhoà
Một lần nữa nhoài tay ra, một lần
Chớp vui để tủi muôn phần
Đón trung thu chốn phong trần, qua gương…

Ngày bé tí, bố mình kỳ vọng mình thần đồng hơn đứt Trần Đăng Khoa khi phát hiện mấy dòng vần vè nguệch ngoạc của ông con trong cuốn vở lớp 2. Nhớn tí nữa, mình ôm mộng thành huyền thoại thể thao khi rinh về cái giải Nhì cho trường trong hội khoẻ Phù đổng. Nhớn thêm tí nữa, chưa kịp bôi thêm mơ ước thì số phận ném cho mình cái vé đi học “Tiến sĩ”….

Gần mười niên, ban đầu tâm đắc  bài học thủa nhập môn của một ông anh người Hà Nội “Bước chân đi là cát bụi phong trần – Tránh sao được khi dòng đời xô đẩy”,  thế là chấp nhận trầy da tróc vẩy. Quăng quật đâu được mấy cái mùa đông thì thấy quan điểm đó hình như không đúng lắm, vậy là lại phải đạp sóng trở ngược.
Hăm lăm tuổi, tốt nghiệp cấp ba hệ bổ túc, cùng năm đó vào đại học, năm sau thì ôm tiếp một trường nữa.  Thất bại, rồi đi làm, lấy vợ, sinh con… kết thúc những chông chênh của những ước mơ hão huyền.

Gần đây, đi làm công nhân câu chữ, phát hiện tháng ngày dũa dấu phẩy, gò dấu chấm cũng là từng ấy thời gian chả nặn ra được điều  gì  hay ho cho riêng mình.  Hình như cuộc sống cho cái này lại giật lại cái kia. Đưa cái cần câu kiếm gạo  thì cùng lúc tước đi mặt sông vò trăng, nhốt sóng.
……………………………………….

Mới lục lọi cuộc đời được chừng ấy thì ông bạn đã alo, báo khoảng một giờ nữa tới ga.  Mình châm điếu thuốc, tợp ngụm cà phê,  ngó lên trời và rút xuống được ba điều.

Thứ một, buồn đi đái mà chả dám bước  tìm cột điện hay hốc tối, vì ở những góc đó thấp thoáng mấy thanh niên trong giới ngày xưa. Lớ xớ tiến vào, các anh em  kiếm cớ “thịt” thì toi.

Thứ nhì, mong được trở lại hơn 10 năm trước để lập trình lại mọi thứ, nhưng lại lo mình không thể có gia đình cùng  con gái hai lần rượu như bây giờ.

Thứ cuối,  muốn ngạo đời, nhưng số phận đã kịp đóng lên trán mình một chữ “HÈN” mẹ nói rồi.
Trần Tuấn












Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Tám tỉ còn ít mà



Tại phiên tòa xét xử vụ giết người ở thôn Me (Bắc Giang), mẹ nạn nhân Nguyễn Thị Hoan là cụ Hoàng Thị Hội đã yêu cầu được bồi thường “trọn gói” 8 tỉ đồng. Cụ đề đạt chuyện trên sau khi hiểu “nợ máu trả máu” không dễ thực hiện.

Nhiều người có lẽ cười vì sự linh hoạt chuyển phương án khá ngây thơ của bậc đã qua tuổi xưa nay hiếm này, nhưng, nếu số tiền  đến 8,1 tỉ thì hãy còn ít.



“Trăm năm bia đá cũng mòn/ Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”. Cái danh tiếng quan trọng lắm, không tiền bạc nào mua nổi, nhất là ở những người già lại sống trong cộng đồng làng xã xưa nay coi trọng chữ “sỉ”.

Thế mà chỉ do cái sự thiếu công tâm của phiên tòa xử ông láng giềng Nguyễn Thanh Chấn hơn 10 năm trước mà người mẹ mất con này bị mang tiếng cay độc với người quê hương.

Vì thời gian ông Chấn đếm lịch, cụ Hội thường xuyên “dẫn quân” hoặc “đơn thân” tới mạt sát vợ con  ông này vì đã cướp đi đời con gái của của con gái cụ. Đến nay, khi công lý lên tiếng, cụ Hội có lẽ thấy mình xấu bụng mà hiểu sai cho người tốt nhiều quá. Vàng bạc nào có thể chuộc lại tiếng thiếu đức độ đây?

Cụ đòi tiền cũng chả thiết thống kê chi tiết thiệt hại khoản nọ, khoản kia. Có lẽ cái lý do khiến yêu sách này được phát ngôn là ông Chấn được 7,2 tỉ do oan, chịu sự gán nhãn trong cộng đồng là kẻ sát nhân. Thế thì cụ, vừa mất con lại vừa bị nhận xét là cay nghiệt mỗi lần tới trả thù miệng nhà người lương thiện thì tiền được nhận phải hơn là cái chắc. Và mức “phí danh dự” ấy  “sẽ cho con cháu hết” ……
.............................

Nói thật, mình rất yêu những bà mẹ hồn nhiên như thế. Hồn nhiên yêu cầu, hồn nhiên bày tỏ cảm xúc căm thù, và chắc chắn tình yêu cho con cái cũng bao la hồn nhiên…

Rõ khổ!  Phía bên kia lại khổ não trần tình trước tòa, rằng,  80 ngàn đồng còn chưa có thì đào đâu ra số bạc nhớn đên thế!

Anh Tuấn


Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

NẠN NHÂN CỦA "QUÂN TỬ TÀU"



1. Trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, ba anh em Lưu, Quan, Trương có lời thề trứ danh buổi khởi nghiệp tại vườn đào,  đại ý, dù không sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm nhưng nguyện chết cùng năm cùng tháng cùng ngày. Sau đó Quan Vũ bị phía Tôn Quyền giết, Lưu Bị vì tình kết nghĩa năm xưa mà dốc toàn bộ lực lượng nhà Thục phục thù  Đông Ngô, bỏ qua đại cục là liên minh chống Tào Tháo.
Nhiều truyện kiếm hiệp của Trung Quốc được dịch sang tiếng Việt, các tay hảo hán đều vì “nghĩa khí”  mà sẵn sàng bán máu chỉ để mua lấy ba chữ “Hảo huynh đệ”. Tôi tạm gọi những trường hợp ở trên là “Quân tử Tàu” – dù bản thân chữ “Quân tử” được đẻ ra ở Tàu.
…………...
2. Trong thảm án sáu người tại Bình Phước hôm 7-7, đến thời điểm này, các nguồn tin từ báo chí đều cơ bản thống nhất rằng Vũ Văn Tiến và Nguyễn Hải Dương là đôi bạn thân. Cả hai đều không tiền án, tiền sự, được những người quen biết nhận xét là hiền lành. Thêm nữa, thu nhập mỗi tháng gần 10 triệu nên không thể gọi là túng quẫn.
Trưa 6-7 Tiến bắt đầu tiếp nhận kế hoạch gây án từ Dương nhưng chỉ hơn 12 giờ đồng hồ sau đã thực hiện thành thục và quyết liệt như kẻ thuộc bài từ rất lâu. Qua đó giúp sức để Dương giết năm người, đồng thời tự tay tước đi sinh mạng  nữ chủ nhà.  
Nghĩa là bên cạnh sự lạnh lẽo của một tâm hồn vô cảm trước mạng sống của đồng loại thì kẻ thủ ác này hành động như một cỗ máy. Cỗ máy ấy  được lập trình bởi sự nhiệt tình “giúp bạn phải giúp đến cùng” đang sôi lên trong nhận thức lệch lạc của Vũ Văn Tiến.
Đáng nói, cái giá trị “Quân tử Tàu” cũng được Nguyễn Hải Dương thẩm thấu một cách rất hồn nhiên, thể hiện trong những lời khai đầu tiên của người này. Theo đó Dương  “khẳng khái” nhận xuống tay với toàn bộ nạn nhân nhằm xoa đi một phần sự man rợ của đồng phạm khi phải đối diện với luật pháp.
Cách hành xử kiểu  “Quân tử Tàu”  về mặt nào đó rất đáng được trân trọng vì đó là một trong những chuẩn mực để làm người, bên cạnh các phẩm chất như “tài hoa”, “nhân ái”, “trung thực”… Tuy nhiên, qua quá trình sao chép không trọn vẹn cả về mặt thời gian lẫn không gian, sang tới Việt Nam, bản Copy ấy  dường như là một liều thuốc phiện đối với những thanh niên tiếp nhận các bài học đạo đức một cách chắp vá. Và tôi cho rằng hai nhân vật chính  trong vụ thảm sát 6 người ở trên là minh chứng gần nhất, rõ nhất.
Tiến có lẽ không quá cần tiền để sẵn sàng tắm máu đồng loại nhưng cái liêm sỉ hão trước đề nghị của “bạn thân” đã biến tâm hồn người này thành quỷ.  Còn Dương, có lẽ cũng chẳng bởi thất tình sinh tàn độc, mà là sự yếm thế của một gã trai từng tự hào bởi vài tháng trước còn sánh vai cùng mỹ nhân, nay bị hắt hủi vì lý do bất tài, không môn đăng hậu đối…. Việc nhận tội thêm cho “bằng hữu” càng khẳng định cái lý do đại trượng phu phải trượng nghĩa và không hèn  được người này suy diễn.


……………………
3.  Giả sử như giả thuyết “quân tử Tàu” trên là đúng thì cách giải quyết cũng không phức tạp.
Giải pháp của mọi vấn đề luôn xuất hiện ngay sau khi tìm được nguyên nhân -  Nói cách khác,  thủ tiêu nguyên nhân  (ở đây là những bài học đạo đức chắp vá)  sẽ hiện thực hóa giải pháp… Anh Tuấn

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

HOÁ RA THIÊN TAI CŨNG CÓ LỢI


Sau vụ chặt cây xanh tại Hà Nội, chưa bàn đúng sai, nhưng nhiều người Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung đã một lần điêu đứng niềm tin vì cách làm thiếu công khai của một số lãnh đạo. Tới mức ông Phó thủ tướng  trong phiên trả lời chất vấn mới đây đã khẳng định đó là cách làm có sai sót, dẫu không quên một câu “úy lạo”, rằng Hà Nội đã rút ra bài học.



Thế nhưng cơn mưa giông chiều 13-6 -  sau khi cuốn bay nhiều mái nhà, lật gốc một loạt cây, và cướp đi cả mạng người -  giờ, nó lại tiếp tục thổi bùng lên những vấn đề cần bổ sung vào cái bài học vừa rút ra ở trên.

Số là thiên tai này sau khi đi qua thì đã giật tung tấm mặt nạ của anh bạn đồng hành mang tên “nhân tai”. Sự cẩu thả, vô trách nhiệm, thiếu kiến thức của con người bỗng chình ình xuất hiện dưới lớp đất sâu chưa nổi cái với tay tại những hố vừa trồng cây mới - Khi người ta phát hiện nhiều bộ rễ vẫn còn nguyên cả bịch với  tấm lưới bao bọc từ lúc được đánh từ nơi khác về.

Thiếu kiến thức ở chỗ, cây khi được đánh về trồng, ngoài việc độ sâu của hố trồng thì các phần của rễ phải ngay lập tức tiếp cận với chất dinh dưỡng bằng việc hòa vào  lớp đất mới. Bài học đơn giản này lẽ ra chỉ nên nói với lứa học sinh tiểu học, vậy mà những người lớn trồng cây hôm nay lại quên (!?).

Cái cẩu thả đi liền ngay sau đó. Hãy cứ cho rằng các anh công nhân trồng cây không hiểu biết nhiều, họ đào lỗ rồi hạ cây một cách máy móc kiểu “thiên lôi chỉ đâu đánh đấy” thì không lẽ “Cháu nó lú, chú nó lại cũng đần”?

Vietnamnet dẫn thông tin của TS. Nguyễn Tiến Hiệp - Trung tâm bảo tồn thực vật Việt Nam khẳng định“Không ai để nguyên bọc lưới, nilon thế mà hạ xuống cả. Về nguyên tắc phải để cây tiếp xúc với đất, với dinh dưỡng thì mới phát triển được”, Ông Hiệp cho rằng, đơn vị trồng cây để nguyên cả bịch như vậy là quá ẩu.

 “Quá ẩu” hay “cẩu thả” hay gì gì đi nữa thì những vị theo dõi, đôn đốc, giám sát việc này đích thị đang phát huy một trong những mầm mống của “Nhân tai” – sự vô trách nhiệm!
………….

Có câu chuyện tưởng tượng rằng, do Hà Nội quá tiết kiệm, lẽ ra nên duyệt chi 10 đồng cho mỗi cây trồng mới thì lại quyết có 9, thành ra công nhân họ làm tương ứng với công sức bỏ ra. Tới đoạn chuyển cây đến chỗ mới đã hết 8 đồng, còn một đồng để lấp đất nên tặc lưỡi bỏ qua công đoạn tháo những bao bố xiềng cũi bộ rễ.

Lại có ý kiến rằng, do trồng kiểu này, không chóng thì chầy cây cũng sẽ chết hoặc còi cọc. Cơn giông lốc vừa qua đã bổ sung vào quỹ tiết kiệm của TP, vì nhờ nó mà đỡ được khoản chi phí thuê nhân công  đào lên để trồng lại một loại cây khác…


         Tuy nhiên, biện pháp “tiết kiệm bền vững” nhất lại chưa thấy nhiều người  đề cập. Đó là ngừng trả lương cho những cách nghĩ và làm mang mầm mống “Nhân tai” ở trên. Được như vậy, niềm tin của người dân đương nhiên sẽ khôi phục không chỉ với riêng câu chuyện về cây xanh Hà Nội, mà còn ở nhiều lĩnh vực khác.  

Anh Tuấn