Thứ Năm, 18 tháng 11, 2021

Tình cảm thì không thể 'lập trình'

Ý kiến dưới đây là suy nghĩ của mình hồi gần 5 năm trước. Riêng tối nay, trong lễ tưởng niệm những người ra đi vì Covid, Hà Nội và TP.HCM sẽ biến ý tưởng dở dang đó (thêm cả còi tàu) thành hiện thực nhưng dưới cảm xúc bi thương. 

Và mình tự hỏi, cách tổ chức này là sự tôn trọng tín ngưỡng của người đã khuất hay là sự cẩu thả với tâm trạng của người còn sống?.

Cá nhân mình thì cho rằng, nếu chưa có sự thống nhất về hình thức, nghi lễ thì chỉ cần tự thân nhớ thương những ai xấu số là đủ. Mà nỗi nhớ thì không thể lập trình, không thể ấn định rằng phải bi lụy vào ngày 19 mà không vào 20, 21, 22…



ĐÓN GIAO THỪA BẰNG CHUÔNG (2017):

Cuối cùng thì hôm 3-1, Hà Nội cũng giải quyết vấn đề đánh thức thời khắc chuyển giao năm mới của dân tộc bằng sáng kiến Tôn giáo hóa Tết Cổ truyền!

Nghĩa rằng thay vì dùng pháo thì Hà Nội vận động các cơ sở tôn giáo, gồm cả nhà thờ lẫn nhà chùa, ngân chuông vào đêm đất nước tiễn Khỉ, đón Gà.

Và nếu đề nghị này được ưng thuận thì mình không hiểu người dân Thủ đô sẽ nghe hai thứ âm thanh của hai trường phái tu hành này khi trộn lẫn vào nhau sẽ như thế nào? Có lẽ sẽ giống như sự pha trộn giữa đàn bầu và trống trận.

Theo mình biết thì chỉ trong ẩm thực mới có định nghĩa về món lẩu.

Nhưng lẩu gì thì lẩu, coi chừng sau khi thưởng thức, mối bất hòa tín ngưỡng cùng nguy cơ tan nát nỗ lực đại đoàn kết dân tộc có thể sẽ bùng lên.

Bởi giáo phái nào cũng  đều muốn tiếng chuông đặc trưng của mình là biểu tượng của đêm giao thừa! 

Trần Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét