Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

GIẤC MỘNG ĐẸP...

TỈNH MỘNG
GV dạy môn CNXHKH của tôi có nhận xét, đại ý: “Hình thái KTXH Phong Kiến dẫu có Lực lượng sản xuất tiến bộ hơn, nhưng về mặt Dân chủ lại là một bước lùi so với Hình thái KTXH Chiếm Hữu Nô Lệ.”
Nếu đúng như thế, thì liệu Thời đại ngày nay có khi nào là một bản sao của một thời đại nào đó không?

TRƯỚC ĐÂY
Thời bấy giờ Mông Cổ là đế quốc hùng mạnh bậc nhất thế giới. Khi ấy, vó ngựa Nguyên Mông tha hồ hùng hổ cày xéo từ Á sang Âu... Ấy vậy mà chúng vào nước ta 3 lần thì 3 lần bị vua tôi nhà Trần quét ra như quét rác trong nhà.
Hào khí Đông A tỏa sáng trong 175 năm(1225-1400) chưa tính nhiều năm chống Tàu sau đó với các vua dũng cảm Trần Giản Định, Trần Trùng Quang... Thành tích Võ công và Văn trị giai đoạn đó là một dấu son trong lịch sử bảo vệ, xây dựng đất nước.
Về Võ công thì không dám nói tới rồi. Còn về Văn trị, tôi chỉ ấn tượng nhất là hơn một thế kỷ sau khi khởi nghiệp họ Trần, tới thời Trần Dụ Tông(1341-1369) mới thấy xuất hiện tiếng than phiền về việc quản lý triều đình. Đó là “Thất trảm sớ” của Chu Văn An, yêu cầu nhà vua lấy đầu mấy tên quan chức gian nịnh, tham ô, phản dân, hại nước
Những hơn 100 năm mới le lói một tiếng nói phản biện nhà nước. Không hiểu triều đại này vận dụng sáng tạo quan điểm và tư tưởng cai trị như thế nào mà xã hội yên bình thế? Mà tài thế?

BÂY GIỜ
Dưới ánh sáng soi đường của “Học thuyết tiên phong nhất thế giới”, nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, bây giờ là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam mới tròm trèm đi được ngót ngét 66 mùa. .. Cũng từng đẩy lui hai thế lực quân sự hùng mạnh  Pháp, Mỹ. Từng có cả một “thế hệ vàng” những trí thức tham gia ngày đầu xây dựng chính quyền,...Thế mà hiện nay, chẳng biết tiếng nói dân chúng có tự do, sôi nổi như Hội nghị Diên Hồng ngày trước không? Nhưng đã thấy vô số những tờ “sớ” hoặc chính thức, hoặc không chính thức tung bay nhan nhản trên các diễn đàn mạng rồi.
Đó là những bức xúc tỉ như: Tại sao Tể tướng Dũng  không treo áo từ quan mà lại ung dung chuẩn bị làm mới ghế lần thứ 2 trong khi lời hứa từ đầu nhiệm kỳ 1 ngài khẳng định to như pháo cối “Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu không chống được tham nhũng tôi xin từ chức ngay!”... Ồ, có lẽ ngài cũng từng chống và đang chống?, nhưng cái vật liệu dùng để “chống” ấy mong manh quá? Ví thử ngài dùng cọc gỗ đóng dưới sông Bạch Đằng xem có sức chịu lực được hơn chăng?
...Là lá đơn của Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ kiện đích danh Thủ tướng  chính phủ Nguyễn Tấn Dũng  trong vụ vị Thủ tướng đây cho phép khai thác Bauxite Tây Nguyên.. sự kiện này có lẽ TS Vũ hơn đứt thầy Chu Văn An rồi. Vì đối tượng khiếu nại của  thầy An chỉ dám dừng ở lũ bầy tôi nhà vua thôi... Và...Tiến sĩ Vũ nhận được gì sau các lần khẳng khái ấy?
Cũng vượt nhà văn hóa họ Chu, trên Quốc hội, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết còn đòi lôi cả họ hàng nhà Vinashin ra ánh sáng trách nhiệm, trong đó có quan Dũng và một loạt quan em khác. Cái trách nhiệm là dám treo vào cổ mỗi người Việt Nam từ đứa bé mới bắt đầu thở đến cụ già sắp hết thở, mỗi người một khoản nợ bằng khoảng nửa tháng nhịn ăn.  Tất nhiên Trần Dụ Tông(à quên), tất nhiên Bộ Chính Trị có lẽ xét thấy “Nếu kỷ luật hết thì lấy ai trong sạch” chăng? Nên thôi?
...Là những ý tứ công khai hay tiềm ẩn của cả báo chí lề trái lẫn lề phải phê bình tư duy làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước khiến cho(so với bạn bè Quốc tế) về giao thông thì... chết nhiều do cầu đường “thiếu ruột”, về tiền bạc thì giảm đi, về giáo dục thì “dốt” hơn, về y tế thì “bệnh” thêm, về tham nhũng thì tăng lên, v..v..
...Là những câu hỏi ngây thơ của thế hệ măng non đang tung tăng cắp sách tới trường: Sao ở nhà bố mẹ luôn tự hào “Nước Việt Nam ta từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau” mà đến lớp chẳng thầy cô nào dám nói?...
Dù là “phê bình”, dù là “bức xúc”, dù là “kiện”, dù là “đề nghị thành lập ủy ban điều tra”, ... thì cũng đều là những hình thức dâng “sớ”. Phản biện tuy có khác nhau nhưng cùng chung một điểm là đòi làm rõ trách nhiệm, nếu đúng thì phải “trảm chức”. Thế thôi.
... Thiu thiu nhớ lại câu nói của nhà sử học Dương Trung Quốc: “Thế hệ chúng ta sau này mất gốc hoàn toàn”...
 Bỗng nghe văng vẳng bên tai lời Hịch của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn:  “...Nay các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc-sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc, mà không biết tức, tai nghe nhạc để hiến ngụy sứ, mà không biết căm; hoặc lấy việc chọi gà làm vui-đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu-khiển, hoặc vui thú về vườn ruộng, hoặc quyến-luyến về vợ con, hoặc nghĩ về lợi riêng mà quên việc nước, hoặc ham về săn-bắn mà quên việc binh, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát. Nếu có giặc đến, thì cựa gà trống sao cho đâm thủng được áo-giáp; mẹo cờ-bạc sao cho dùng nổi được quân-mưu; dẫu rằng ruộng lắm vườn nhiều, thân ấy nghìn vàng khôn chuộc; vả lại vợ bìu con díu, nước này trăm sự nghĩ sao; tiền-của đâu mà mua cho được đầu giặc; chó săn ấy thì địch sao nổi quân thù; chén rượu ngon không làm được cho giặc say chết, tiếng hát hay không làm được cho giặc điếc tai; khi bấy giờ chẳng những là thái-ấp của ta không còn, mà bổng-lộc của các ngươi cũng hết; chẳng những là gia-quyến của ta bị đuổi, mà vợ con của các ngươi cũng nguy; chẳng những là ta chịu nhục bây giờ, mà trăm năm về sau, tiếng xấu hãy còn mãi mãi; mà gia-thanh của các ngươi cũng chẳng khỏi mang tiếng nhục, đến lúc bấy giờ các ngươi dẫu muốn vui-vẻ, phỏng có được hay không?...”... Thích thật! Lần đầu tiên nghe “chửi” mà thấy thích. Cứ dỏng tai, hóng mắt để cố gắng  nuốt lấy từng  lời của  bậc Minh chủ...
Trong lúc phấn khích, hào khí dường như bốc cao ngút trời, tôi đã hét lên một tiếng thật hào sảng... Chẳng ngờ cái tiếng hét quái quỷ ấy lại... đá văng tôi ra khỏi giấc mộng đẹp. Giật mình tỉnh giấc, hóa ra mình không phải là con dân thời nhà Trần. Mình là công dân của nước CHXHCN Việt Nam.
Trần Anh Tuấn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét