Thứ Ba, 9 tháng 6, 2020

Ảo tưởng hơn Tự nhục


Hồi những năm 1980, tôi sống ở TP Nam Định. Tiếng là đô thị nhưng cũng như kinh tế các địa phương bị phong tỏa bởi gọng kìm “bao cấp”, người dân TP luôn chật vật chuyện áo cơm.

Tôi nhớ, có một số người sở hữu học vấn nhỉnh hơn mặt bằng dân trí. Họ hiểu nhiều chuyện thế giới bên ngoài, biết về văn minh phương Tây và cháy bỏng khát vọng thụ hưởng những nền văn minh đó.



Câu chuyện cái cột điện (sừng sững, hiên ngang, biểu tượng của sự kiên cường) nếu có chân cũng sẽ chạy sang nước Mỹ có lẽ bắt nguồn từ mong muốn được đổi đời thời điểm ấy.

Nay, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên hệ chuyện cây cột điện có chân. Nếu đặt trong hoàn cảnh so sánh giữa cấp độ văn minh cũng như hai nền kinh tế Việt-Mỹ hiện tại… thì chuyện đôi bên học tập nhau, chạy sang nhau, có nhu cầu về nhau trong lĩnh vực nào đó là chuyện rất bình thường.

Có điều,  khi đó ông đang nói về những thành tựu trong nước tại một cuộc thảo luận nên nhiều người dùng mạng xã hội lập tức phản ứng theo chiều hướng tiêu cực, phán ông đã quá lời. Rằng mới thành công một tẹo đã ví von cột điện muốn thay đổi quốc tịch, rồi mỉa mai abc này nọ.

Như vậy là Thủ tướng lộng ngôn hay lạc quan?  

Nếu lộng ngôn thì sự lộng ngôn chưa thấm tháp gì với các bậc tiền bối. Hãy xem những thế hệ đáng kính trước đây từng “Thần khẩu hại xác phàm” thế nào.

Các cụ ông từng khẳng định nếu được vợ đồng ý thì Biển Đông cũng dễ dàng tát cạn (thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn). Họ cũng gây giống thần tốc được voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao…

Thậm chí, sẵn sàng bẻ gãy quy luật toán học khi “yêu nhau 9 bỏ làm 10”…

Còn nếu để ý quan điểm của những cựu lãnh đạo, ta còn thấy họ lạc quan hơn nhiều. Điển hình là dự đoán “tư bản đang giãy chết” mà thực tế gần đây lại chứng minh ta là đối tác toàn diện, đối tác chiến lược với những thành viên của hội giãy chết đó.

Còn Thủ tướng với phát ngôn “cột điện”,  năm qua ông làm được những gì cho đất nước?... Cứ nhìn những con số thống kê tích cực về kinh tế, y tế, giáo dục, an sinh xã hội… sẽ biết.

Như vậy, lộng ngôn (nếu có) thì sự “chém gió” ấy cũng không nên soi mói dưới góc nhìn thiếu thiện cảm.

Người thanh niên Nguyễn Ái Quốc từ lúc phát hiện mặt trời chân lý chói qua tim đến nay đã gần một thế kỷ mà chân lý vẫn chỉ là là ánh sáng, vẫn chưa thành hiện thực…. thì hà cớ gì ta khắt khe với học trò của học trò ngài?

Quan điểm của tôi: Mình thà ảo tưởng còn hơn tự nhục!

Anh Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét