Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

Rón rén và Hả hê



Yêu cầu tối cao của một Biên tập viên là khả năng làm xiếc với thông tin.  Tức, kỹ thuật đánh giá, tổ chức, cân bằng, nhiều chiều và khách quan.

Vốn ngôn ngữ đối với Biên tập viên là cần thiết nhưng không phải nhiệm vụ quá trọng yếu. Tuy nhiên, vẫn cần học hỏi để từ thân phận công nhân chữ nghĩa lên thợ viết rồi thành nghệ nhân.



Dùng “Nguyên” hay  “Cựu” là một trong số những bài tập thử thách bản lĩnh.

“Cựu” hoặc “Nguyên”, xét về mặt chức vụ, là vị trí công tác của một cá nhân từng đảm nhiệm, như Nguyên trưởng ban tổ chức, Cựu trưởng ban tổ chức…

Tuy nhiên, giống như “Người yêu nó” hoặc “Con bồ nó”, dùng “Cựu” thay “Nguyên”  thể hiện thái độ của người gọi đối với cá nhân ấy.

Nói “ông A. là Cựu Tổng biên tập” thì sự tôn trọng luôn thua  “ông A. nguyên là Tổng biên tập”

Khi nói về các tay chức sắc về vườn của phe Tư Bản, báo chí mình gom hết một loạt từ tép riu đến đầu sỏ bằng “Cựu”. Còn với những người từng là quan chức trong nước, ta tự nguyện gật gù lựa chọn “Nguyên”.

Gần đây thì lai căng, tự diễn biến một chút. Và sự lai căng, trong run rẩy, tạo ra sự bất bình đẳng về đối xử. Độc giả bắt gặp nhan nhản “Cựu” nếu nguyên quan chức ấy ngã ngựa hay từng chỉ là Bộ trưởng hoặc quan tỉnh đổ xuống.

Người trên chức Bộ trưởng về hưu, chưa mấy báo dám xổ tiếng “cựu”.

Dù có kẻ phân biệt “Nguyên” tức là vẫn còn năng lực cống hiến ở những vị trí khác, còn “Cựu” là an bài với phận hưu… song theo tôi, đó là sự phân biệt phần nhiều mang tính tự phát, tự sướng, tự an ủi, tự làm dốt mình.

"Mẹ mày", "Bu nó", "Bà nhà"...

Đều là cách gọi vợ già, vậy thôi!

Âu nó cũng thể hiện sự rón rén hoặc hả hê.

Trần Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét