Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Đôi điều việc Bộ Y tế để TP.HCM tiêm vắc xin Trung Quốc


Dưới sự đồng ý của Bộ Y tế, TP.HCM hôm nay (31-7) bắt đầu nhận thêm 5 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 từ Trung Quốc. Trong tình thế ngặt nghèo nguồn cung thì dù “tiền trao cháo múc” cũng rất xứng đáng với câu một miếng khi đói bằng gói khi no.

Số tiền nhiều triệu USD bỏ ra để mua “cháo” ấy rõ ràng là không bõ bèn gì so với nguy cơ của người dân nếu không được tiêm. Nói như một số người: “Có chích là may rồi, giữa biển lửa thì đừng bày đặt lựa chọn bình cứu hỏa”.


Bỏ qua suy nghĩ lo xa rằng sau này phía Trung Quốc sẽ dương dương tự đắc “nhờ anh mà chú sống”, bỏ qua chuyện chất lượng hàng tàu bị nghi ngờ trên thị trường, bỏ qua cả chuyện người dân băn khoăn vì móc hầu bao cho quỹ vắc xin mà thứ bơm vào máu không đáng đồng tiền bát gạo… thì vẫn còn khá nhiều vấn đề khiến tôi chưa thông.

Thứ nhất, trong bảng xin ý kiến nhân dân của Ban tuyên giáo thành ủy gửi hôm qua, cơ quan này hỏi người dân muốn tiêm loại vắc xin nào. Câu trả lời chưa được tổng hợp và công bố thì vắc xin tàu đã có mặt ở Tân Sơn Nhất. Vậy giá trị của biện pháp thăm dò lòng dân ấy nằm ở đâu?

Thứ nhì, cũng hôm qua, Thành phố cam kết phủ vắc xin cho người trên 18 tuổi không phân biệt thành phần ưu tiên, vậy những người được tiêm có được bình đẳng trong lựa chọn thời điểm và loại vắc xin Việt, Trung, Anh, Pháp, Mỹ không?

Thứ ba, nguy cơ sốc sau tiêm hoặc di chứng sau tiêm dù rất thấp nhưng không thể loại trừ. Cho là người dân vui vẻ chấp hành tiêm, vậy họ có quyền được đòi hỏi gói bảo hiểm sau tiêm?.

Thứ tư, Bộ Y tế “đồng ý” cho một công ty nhập về, nghĩa là chính phủ mua hay để cho doanh nghiệp mua về bán lại cho nhà nước?

Thứ năm, tiêm là trách nhiệm của công dân đối với sự yếu khỏe của xã hội, vậy hẳn phải có chế tài đối với người dứt khoát từ chối “cháo” nấu từ nước bạn chứ?

Lại phạt 3 triệu nộp ngân sách chăng?

Trần Tuấn

Thứ Hai, 26 tháng 7, 2021

Cấm ra ngoài từ 18 giờ

 

Dưới đường không một mống xe máy

Chỉ thấy ô tô buồn bã chạy

Trên giời chim chóc chả buồn bay

Dăm ba tia nắng hấp hối ngày

 


Ta chẳng thiết gì ngoài đốt cháy

Cô ả thời gian má hây hây

Thế nhưng âu yếm như tiêu chảy

Ân ái rơi tòm xuống lỗ mây

 

Thôi thì nốc hết ly rượu cay

Nhắm với cà phê để dồn say

Ai dè vẫn tỉnh như sáo ấy

Phí cả lòng đau, phí chiều nay.

Trần Tuấn

Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2021

Mùa điểm Sử: Lại vuột huy chương

Đến hẹn lại lên, kỳ thi PTTH năm nay môn Sử tiếp tục ghé vai gánh bảng vàng với hơn 52% thí sinh dưới trung bình. Việc nhiều năm đội sổ ấy có lẽ đủ tiêu chuẩn để hình thành nên “mùa” – Mùa điểm sử.

Lý giải cho việc thêm một thế hệ học sinh có kiến thức dưới trung bình môn này, các chuyên gia, thạc sĩ, tiến sĩ, thậm chí bác sĩ, chị doanh nhân, anh xe ôm, chú trà đá đã nhiều lần mổ xẻ song dường như càng mổ thì càng như nhét cát vào vết thương.



Học tập chủ yếu từ tự thân, thầy cô chỉ định hướng chứ không thể cưỡng bức sự say mê khám phá tri thức sử. Do vậy, phê bình giáo viên là không đúng mà trách các em cũng rất tội. Tuy nhiên, lỗi điểm kém phải có chỗ để mà đổ?

Thì có đây: Do khó khăn trong “mùa covid”; do yêu cầu với môn này khắt khe; do nội dung sách giáo khoa thiếu sinh động hoặc mâu thuẫn với mạng xã hội; do tư duy hoài nghi khoa học; do bão hòa với những bài học kinh nghiệm rổn rảng, do xã hội nhân ái hơn nên học sinh ghét thông tin bạo lực...

Tức là kiểu gì cũng phải tìm ra nguyên nhân, còn nguyên nhân năm này khác nguyên nhân  năm sau thì tính sau.

Còn theo tôi, điểm sử trong kỳ thi vượt vũ môn không sáng bởi vì xã hội đề cao những môn học khác một cách quá khích. Thêm nữa, động lực tiếp nhận kiến thức của các em đang bị mâu thuẫn giữa tinh thần hoài nghi khoa học và lối tiếp thu một chiều.

Đầu tư trí lực vào văn, toán, lý, hóa, ngoại ngữ dù sao cũng có cơ hội kiếm tiền nhanh hơn rắc hoa hồng vào quá khứ. Đây là một cách nghĩ hợp lý dù chưa hợp trí.

À, môn Giáo dục công dân cao chót vót với điểm trung bình trên 8. Môn này thì cơ hội lập thân, lập ngôn, kiếm tiền sao nhỉ?

Anh Tuấn

Thứ Tư, 21 tháng 7, 2021

Đường dài mới biết ngựa hay

Lâu lắm không còn thấy hình ảnh bệnh nhân COVID-19 được cán bộ tặng hoa và chào mừng xuất viện.

Hình thức họp trực tuyến hai miền Nam Bắc nhằm nỗ lực cứu bằng được một người bệnh nhiễm NCoV cũng không tái diễn.

Vắng đi cảnh ồn ào, vẫy cờ tổ quốc, hát vang bài ca hùng tráng của người dân tại những khu phố được giải phóng cách ly.

Mất dạng tính từ “ngạo nghễ” thời điểm các tỉnh ráo riết điều động phương tiện đưa con em mình rời khỏi điểm dịch từ TP.HCM.

Nhưng các lời động viên tình cảm “Thương lắm SG ơi”, “Sài Gòn bệnh rồi, cố lên”, “Ấm lòng tình người trong tâm dịch”, “Người dân hỗ trợ nhau vượt hoạn nạn”… liên tục xuất hiện. Nó giống như những âm thanh mát mẻ vút lên giữa thời tiết oi nóng mùa hè cùng mùi vị ngột ngạt của các hình thức xử phạt.


Đưa ra mấy gạch đầu dòng trên đây để thấy chỉ qua non 2 năm đại dịch, xã hội trải nghiệm vô số thái độ. Từ hoang mang đến tin tưởng, rồi hoang mang, rồi lạc quan, xong lạc quan tếu, quay lại cam chịu, an ủi nhau, tự động viên tình hình này vẫn còn dễ chịu hơn nhiều nước khác…

Tức là gần hai năm, chúng ta đã có chuyển biến trong nhận thức dù nhận thức khá trồi sụt, không theo quy tắc nào. Những nhận thức ấy tuy tốt xấu từng lúc khác nhau song lý giải thì tháng nào cũng có.

Hiện tại, đang có xu thế nêu cao truyền thống văn hóa lá lành đùm lá rách để xoa dịu vết thương phong tỏa. Cùng với đó, tán dương tinh thần người dân sẵn sàng tiết chế lợi ích cá nhân bởi lý do dồn sức tin tưởng vào đại cục dập giặc dịch.

Một vài hôm tới thì chưa biết còn sáng tạo ra những chiến dịch nâng (hạ) quyết tâm nào nữa.

Thấy cứ chuệch choạc sao ấy. Để xảy ra tình trạng rối đến nỗi liên tục thay đổi biện pháp kiểm soát giao thông, cách ly y tế, tiếp tế dân nghèo, đóng mở chợ, 15, 16, 19, 16+… tôi tự hỏi đây là hậu quả của dịch bệnh hay là hậu quả của các biện pháp chống nó?.

Bá Kiến có suy nghĩ nổi tiếng: Một người khôn ngoan chỉ bóp đến nửa chừng. Hãy ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông, nhưng rồi dắt nó lên để nó đền ơn. Hãy đập bàn đập ghế đòi cho được năm đồng, nhưng được rồi thì lại vất trả lại năm hào “vì thương anh túng quá”!.

Tôi không tin rằng cách mắng bọn nhân viên công lực trong chế độ nửa nạc nửa mỡ của ông Nam Cao gần trăm năm trước có thể mang ra giải thích bất cứ tình huống nào ở thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên, nếu các gói nghìn tỉ cứu trợ nghĩa tình chậm được công khai danh sách, các mũi vắc xin còn xuất hiện nghi vấn chuyện anh giai, ông ngoại… thì e rằng nhiều người có thể sẽ hiểu sai lầm như trên.

Anh Tuấn

Thứ Hai, 19 tháng 7, 2021

Tuyệt đối tiếp thu triệt để kinh nghiệm

 Những gieo vần khá hợp lý:


Quyết tâm dồn lực xung phong

Nỗ lực thần tốc tấn công không ngừng

Kề vai thống nhất chung lòng

Sai lầm dứt khoát vô cùng lớn lao

 


Phấn đấu xử nghiêm phong trào

Động viên chiến dịch hô hào tiến lên

Thiên đường cơ bản ghi tên

Đón đầu ngạo nghễ ngày đêm tự phê bình.

Nếu cứ sau mỗi 2 chữ có thêm một dấu phẩy (,) thì 8 câu lục bát trên đây đã chia thành 28 khái niệm ít nhiều được dùng trong các hội họp liên quan cuộc đánh nhau với COVID-19 nói riêng, con đường đi lên XHCN của nước mình nói chung.

Phải quyết tâm hạ quyết tâm lắm lắm mới có thể hoàn thành nhiệm vụ 28 khái niệm/mệnh lệnh/khẩu hiệu này giao phó. Vì thế, các cao nhân vui lòng không nối dài thêm.

Trong ngắn hạn, hi vọng Quốc hội họp từ hôm nay tiết chế các tiết mục phát biểu rổn rảng.

Trần Tuấn

Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

Chuyện Hà Nội khống chế lượng người trong đám tang

 Hà Nội dừng mọi đám cưới!

Trên đây là một trong số rất nhiều nội dung quan trọng trong Công điện của UBND TP Hà Nội trước diễn biến của COVID-19, áp dụng từ 0 giờ ngày 19-7. Một nội dung đáng chú ý nữa là đám ma chỉ được phép có 30 người.

Như vậy, bất cứ đám hiếu, hỉ nào nếu tổ chức đều có thể đối diện mức xử lý sạt nghiệp.

(Ảnh minh họa: Đám tang 4 người trong 1 gia đình năm 2018, báo NLĐO).


Tôi ủng hộ, vì thứ nhất, dịch dã thế này cố sướng hay cố nghĩa tình một tí thôi là có thể gây họa cho Thủ đô.

Thứ hai, Hà Nội không thể lâm nguy vì hậu quả của các cuộc tụ tập dù là lý do có lý song không nằm trong danh mục chính đáng.

Thứ ba, người đứng đầu chính quyền thành phố từng tuyên bố nếu “toang” sẽ chịu trách nhiệm, do vậy, không thể để một nhân tài phải mang tiếng lộng ngôn vì quản lý lỏng lẻo, trong đó có chuyện buồn vui của đời người.

Về lý lẽ thì quán triệt như thế, tuy nhiên, từ trái tim thì tôi hơi băn khoăn quy định 30 người trong đám tang.

Trong văn hóa Việt Nam, một đám tang ngoài đội kèn trống, nhóm hậu cần bếp núc, đội khiêng vác quan tài, hạ huyệt… thì chắc chắn còn con, cháu, chắt, bạn bè, dân làng, đồng đội người quá cố. Vậy, con số 30 e không ổn.

Hi vọng thời gian công điện hiệu lực không có quan chức hay vị lão làng đông con cháu nào đến tuổi hai năm mươi, bởi như vậy sẽ khiến vất vả cả lý lẫn tình với cơ quan công vụ.

Còn nếu dứt khoát xử lý vi phạm, có thể kinh kỳ ngàn năm văn hiến sẽ là đầu tàu của việc định hướng văn hóa ma chay.

Anh Tuấn

Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2021

Cả ngàn người với Chỉ thị 16 chống COVID-19

Thông tin từ cuộc họp báo về tình hình COVID-19 tại TP.HCM chiều 16-7 cho hay, chỉ trong 8 ngày, từ 9-7, TP.HCM thu gần 15 tỉ đồng từ việc phạt vi phạm Chỉ thị 16. Trong đó, cấp quận, huyện xử lý trên 4.200 trường hợp với số tiền hơn 9 tỉ đồng.



Có nghĩa là vài ngàn trường hợp ấy hoặc coi thường Chỉ thị, hoặc có lý do chẳng đặng đừng như thiếu ăn, cứu mèo, tới hiệu thuốc nhưng không mua thuốc… mà bị phạt.

Dù gì thì cũng là hành vi phản ứng mệnh lệnh chính quyền và kết cục túi tiền bị hạ đo ván.

Vậy con số non 15 tỉ kia có thể coi là chiến thắng cục bộ của ngân sách cũng như các cơ quan thi hành công vụ không? Tôi nghĩ là có.

Song, về mặt tổng thể, đó là nỗi đau của chính quyền khi mới áp dụng vài ngày mà đã có một lượng người không nhỏ bất tuân.

Do không có con số thống kê những người bất tuân ấy thành phần xã hội ra sao, thu nhập đã tới bờ vực chưa…. nên tôi không thể so sánh với những lợi ích được kỳ vọng từ 15 ngày chỉ thị 16 mang lại.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào các thông tin như siêu thị gần như độc quyền cung cấp thực phấm, trả tiền cho giấy xét nghiệm âm tính, phường ra chỉ tiêu phạt… thì cái lệnh giãn cách sao giống như một cuộc trưng cầu dân ý.

(Giống như việc tôi có quyền đặt vô số câu hỏi cho bức ảnh rất nhiệt tình trong bài này. Bức ảnh được loan tin là đội khử khuẩn không có chỗ trú nên ôm nhau chịu mưa).

Anh Tuấn

Thứ Ba, 13 tháng 7, 2021

Có những thiên đường chuyên ngành nào?

Sự biến “một bộ phận” người dân Cu Ba vùng lên biểu tình phản ứng chính quyền ứng xử tệ trước COVID-19 và phản đối chế độ độc tài chả hiểu sao lại khiến tôi tìm về thơ Tố Hữu, trong đó có bài “Từ Cu-ba” mà hồi cấp 2 thuộc nằm lòng.

“Anh viết cho em, tự đảo này/ Cu-ba, hòn đảo Lửa, đảo Say/ Ở đây say thật, say trời đất/ Sóng biển say cùng rượu mật, say.../ Nửa vòng trái đất, rẽ tầng mây/ Anh đến Cu-ba một sáng ngày/ Nắng rực trời tơ và biển ngọc/ Đào tươi một dải lụa đào bay…”.

                                        Đắt nước Cu-ba. (Ảnh: Internet)

Bài thơ viết giữa năm 1964. Như vậy, từ hơn nửa thế kỷ trước, dưới ngòi bút của tác giả, Cu-ba đã như một thiên đường. Dù là thiên đường chuyên ngành nông nghiệp với đường, mía, cam, đào… thì đó cũng vẫn là thiên đường.

Vậy mà chỉ hơn một năm đại dịch, nhà nước sống vắt qua hai thế kỷ ấy bị chính người dân nghi ngờ về tính hợp lòng dân. Thật đáng sợ, một loại virus bé bằng phần triệu cây kim lại có thể tác động ghê gớm vào cả một hệ ý thức!

Giống như Liên Xô cũ, Cu-ba có những thành tựu về y tế, giáo dục, hệ thống an sinh xã hội, thể thao… mà thế giới ngưỡng mộ. Song, những thành công ấy có lẽ không đủ sức để đồng nhất giữa niềm tự hãnh diện và sự phát triển khách quan của thế giới.  

Hoặc cũng có thể thế giới có cái nhìn phiến diện, phản động về Cu-ba. Tuy nhiên, việc nhiều địa phương đòi tầng lớp cầm quyền về vườn đã ít nhiều cho thấy rằng cơ quan nắm ngọn cờ tuyên giáo của nước này đang thiếu ngọn gió hùng biện.

Còn nếu (cái có thể gọi là) cách mạng (xuất phát từ) cúm của Cu-ba thành công, có khi con virus corona lại được đúc tượng đài.

Nhưng tôi chả mong vậy, ai lại gọi "giặc" là anh hùng bao giờ.

Trần Tuấn

Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2021

TP.HCM sao lại nghẹt vì kiểm dịch?

Các cụ nói “ngu lâu dốt dai khó đào tạo”. Câu này chắc không ứng vào cựu thành phố Sài Gòn, bởi việc ùn tắc nhân danh chống dịch mới chỉ lặp lại một lần kể từ sau lệnh giãn cách Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) hồi tháng trước.

Tức, chưa tới mức lặp đi lặp lại liên tục để bị khoác cái áo “dốt dai”.

Hình ảnh sáng 12-7 ở "cựu TP Sài Gòn" - Ảnh Báo Pháp luật TP.HCM

Tuy nhiên, việc hàng ngàn phương tiện chen chúc nhau tại mấy trăm mét đường, người trên xe thì mồ hôi ướt đầm lưng áo, thở phì phò dưới cái nắng trên 30 độ trong đặc quánh khói bụi cùng hơi cơ thể thì có lẽ không ít câu văng tục chửi tiên sự con covid xuất hiện trong đầu họ.

Cái nông nỗi này xuất hiện từ khi dịch bệnh được phong thánh là “giặc”. Mà đã là giặc thì việc áp dụng tình hình như thời chiến, bao gồm việc tối đa tuyên truyền cùng hành động sẵn sàng chiến đấu hi sinh nhiều điều là lẽ đương nhiên.

Tuy nhiên, lũ giặc xâm lược thế giới loài người này lại hành tung bất định.

Chiến đấu với bọn lai vô ảnh khứ vô hình bằng những mệnh lệnh hành chính nhuốm màu duy ý chí thì hơn 8.000 tỉ đồng từ túi dân góp mua vắc xin hòng mong sớm đẩy lùi bệnh tật có vẻ chỉ như một tiếng trống đánh vào biển Đông mênh mông.

Sao không dùng nguồn lực đáng lẽ không mất bởi rào sông ngăn chợ để tăng sức mạnh cho hậu phương y tế như nhiều chuyên gia từng gợi ý nhỉ?

Chứ cứ phong tỏa nghiêm nơi có ca bệnh nhưng lại thúc thủ trước nguy cơ lây lan do ùn tắc vì kiểm tra giấy tờ thì e rằng giống như bắt cóc bỏ đĩa.

Trần Tuấn

Thứ Năm, 8 tháng 7, 2021

TP.HCM nói, Sài Gòn làm

Gần 16 năm ở phía Nam, lần đầu tôi thấy thay vì danh từ “TP.HCM” thì “Sài Gòn” được nhắc tới nhiều như thế, từ mạng xã hội tới báo chí có phép.

Có lẽ COVID-19 ngoài việc tàn phá kinh tế, chặt gãy một số ghế, khiêu khích mối quan hệ gia đình, gây mối băn khoăn về khả năng điều hành xã hội của nhà chức trách… thì ở mặt tích cực, nó giúp nhiều người hiểu rằng không phải vùng miền nào cũng trăm hoa đua nở về lòng tốt.  

“Phẩm chất Sài Gòn”, “Người Sài Gòn”, “Sài Gòn bao dung”, “Sài Gòn nghĩa tình”…. được liên tục nhắc trong trong tự hào cùng xúc động.

Những nhóm thiện nguyện tự phát, những kêu gọi hỗ trợ người yếu thế không chỉ khởi điểm từ sự ngẫu hứng mà còn luôn đi kèm với hành động, những cử chỉ hào hiệp có thể xuất hiện ở bất cứ tình huống nào…

Đặc điểm bao dung, nghĩa tình, khí khái ấy nổi bật (ít nhất trên truyền thông) so với những địa phương khác. Một cách gián tiếp, những tình cảm đó khẳng định thương hiệu Sài Gòn.

Như vậy, “Sài Gòn” dù chết về mặt địa danh nhưng đã tái sinh với nghĩa tính từ.

Nói Sài Gòn như một “đặc khu văn hóa” không sai. Tổ quốc giống như cơ thể người, nơi này là vị trí trái tim, nơi kia là bộ não, nơi kia nữa là ruột, gan, phổi, chân tay, dạ dày hay cuống họng. Mỗi bộ phận có vùng tự trị riêng và mang những đặc điểm khu biệt.

Và khi chính quyền TP.HCM không phản ứng với từ Sài Gòn, có thể hiểu là hợp với lòng dân phương Nam?.

Anh Tuấn

Thứ Ba, 6 tháng 7, 2021

Ổ dịch gần nửa thế kỷ

Ngày mai, 7-7-2021, gần một triệu thí sinh bước vào kỳ thi THPT.

Ngắm hình ảnh các em mặt mũi kín mít chuẩn bị thủ tục dự thi có cảm giác như vở kịch vừa bi vừa hài. Tư thế sẵn sàng “vượt vũ môn” trong tâm trạng nơm nớp trước COVID-19 ấy sao thấy vừa thương vừa tếu.


Kỳ thi cả tài lẫm tâm (lý).

Năm nay, các em dường như có ba sự đánh cược. Thứ nhất, đánh cược với lời trấn an về kỳ thi khách quan, công bằng của Bộ GD&ĐT nhằm xóa đi tấm gương tiêu cực thi cử mà cả chục quan chức năm vừa rồi vẫn lác đác ra tòa.


Thứ hai, các em đánh cược với tương lai sau 12 năm học của mình. Từ đây, con đường phía trước là đại học, học nghề hay xuất khẩu lao động dù sướng khổ khác nhau nhưng đều chông gai, trắc trở.

Và thứ ba, sự an toàn của chính các sĩ tử được đưa ra đánh cược trong bối cảnh mà truyền thông mấy hôm nay luôn đi hai hàng, kiểu “COVID-19 cơ bản được kiểm soát nhưng… diễn biến phức tạp, khó lường”.

Thương những nhành hoa tương lai của đất nước một thì thương mấy ông bố bà mẹ gấp đôi. Các bậc phụ huynh ngoài việc cùng các con đánh cược với ba điều trên còn phải sốt vó với nguy cơ bị phong tỏa, cách ly, mất việc… nếu rủi cậu ấm hoặc cô chiêu từ trường thi trở về với triệu chứng tịt mũi, sốt cao.


Thông điệp “sát thủ” chỉ là muỗi?

Với cả triệu thanh niên đồng loạt đeo khẩu trang vào phòng thi giữa mùa hoa phượng, chưa bao giờ câu khẩu hiệu “diệt dịch như diệt giặc” trở nên chênh vênh đến thế.

Liệu ngành giáo dục có lường trước những nguy cơ trên? Tôi nghĩ là có, nhưng có thể áp lực về chỉ tiêu, tiến độ khiến sự sốt sắng mang tên “thành tích” không thể hãm phanh?

Cũng có thể kỳ thi này được lựa chọn để thực hiện ý đồ kép, tỉ dụ, truyền tải thông điệp vượt khó trước dịch bệnh của ngành; và COVID-19 thực ra nên nghĩ như cúm (tức chỉ là một loại giặc cỏ, dẫu tới nay chưa có thuốc giải).

Nói về “giặc”, từ sau khi gọi thẳng tên tham nhũng thì tới nay, nước ta mới khai sinh thêm một loại giặc nữa. Loại giặc dịch này chỉ chưa tới 2 năm đã góp sức cướp đi những gần 100 nhân mạng!.

(Dùng từ “góp sức” bởi đến hiện tại tôi vẫn băn khoăn những bệnh nhân xấu số trên ra đi với nguyên nhân chính là gì? Huyết áp, lao phổi, ung thư… hay đích thị SARS-CoV-2? Có nghĩa, SARS-CoV-2 là thủ phạm hay chỉ dây máu ăn phần, gây tình trạng trầm trọng?)…

Dù gì thì vài tiếng nữa các em cũng phải nai nịt kiến thức, xông lên vũ môn chiến đấu để giải phóng cao điểm Tú tài. Mong chiến dịch tốt nghiệp của các em hoàn thành vẻ vang mà vẫn giữ vững trận địa 5K; đảm bảo tinh thần vừa thi thố vừa tấn công dịch như truy sát giặc.

Hãy luôn nhớ, tương lai của các em là tương lai đất nước, trong đó có việc thực hiện sứ mệnh giải tán một “ổ dịch” khác - ổ dịch tồn tại ở Hoàng Sa từ 1974.

Trần Tuấn

Thứ Năm, 1 tháng 7, 2021

Tết chính, Tết phụ của các phạm nhân

3 năm từ thời điểm Quốc Hội thông qua Luật Đặc xá 2018, hôm nay, 1-7-2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dìu luật ấy bước vào cuộc sống bằng việc ký Quyết định Đặc xá dịp 2-9-2021.

Nói gì thì nói, không khí mùa xuân sẽ ngập tràn các cơ sở giam giữ.


Về thân phận pháp lý của người hưởng lợi thì Đặc xá không giống với việc Tha tù trước thời hạn có điều kiện. Tuy nhiên, cả 2 tương tự nhau ở chỗ ưu tiên (theo quy định) với một số thành phần dẫu hành vi phạm tội ghê gớm nhưng lý lịch, thái độ, gia cảnh dư dả hơn phạm nhân khác.

Và dù trong nhiều ý kiến trước đây tôi vẫn cho rằng Tha tù trước thời hạn có điều kiện văn minh, thẳng thắn và truyền cảm hứng phục thiện cho những người phạm tội hơn Đặc xá... thì Đặc xá lần này dẫu sao cũng là cơ hội rất tốt để anh em phạm nhân bước ra ngoài xã hội với ước mơ dựng xây cuộc sống tử tế.

Dưới đây là thông tin lần gần nhất tôi gom về Tha tù trước thời hạn có điều kiện. Nay đăng vì sực băn khoăn không biết cái thống kê số người được thả có điều kiện mà Thủ tướng (giờ là Chủ tịch nước) giao hoàn thành trước tháng 8-2020 thì tới giờ mặt mũi ra sao:

THA THÙ TRƯỚC THỜI HẠN CÓ ĐIỀU KIỆN: PHIÊN BẢN 2 CỦA ĐẶC XÁ?

Ngày 22-7-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định 1461 phê duyệt Đề án triển khai thực hiện Tha tù trước thời hạn có điều kiện. Đề án lấy căn cứ từ điều 66 BLHS, dự kiến tổng kết trong năm 2020 với mục tiêu khoảng 20.000 phạm nhân được về gia đình chỉ trong vòng 2 năm.

Tới tháng 4-2018, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ra Nghị quyết số 01 hướng dẫn chi tiết hơn việc này. Theo Nghị quyết, Tha tù trước thời hạn có điều kiện là biện pháp được tòa án áp dụng đối với người đang chấp hành án phạt tù khi có đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật Hình sự, xét thấy không cần buộc họ phải tiếp tục chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ.

Nghị quyết liệt kê những trường hợp được xét cho về nhà như phạm tội lần đầu; có nơi cư trú rõ ràng; đã chấp hành được ít nhất một phần hai mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 15 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn... Riêng người bị kết án về tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội khủng bố, tội phá hoại hòa bình… không được xét.

Những phạm nhân được xét cũng phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cũng như phải có một thời gian nhất định được xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên. Khi về địa phương, trong thời gian thử thách (bằng thời gian mức án chưa thực hiện), người được tha vẫn được giảm thời gian thử thách nếu chấp hành tốt, còn khi họ vi phạm pháp luật hoặc không chấp hành nghĩa vụ báo cáo tại địa phương theo yêu cầu thì sẽ bị giam lại,.

Ngoài ra, trong thời gian thử thách, người được Tha tù trước thời hạn có điều kiện bị cấm tham gia các tổ chức chính trị; cấm đảm nhiệm chức vụ, quyền hạn; không được thực hiện quyền bầu cử, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và quyền bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội.

Tha tù trước thời hạn có điều kiện nằm trong hệ thống chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với người phạm muốn hoàn lương, khuyến khích họ phấn đấu cải tạo trở thành người có ích cho xã hội. Đây đồng thời  là động lực để các phạm nhân đang chấp hành án phạt tù còn lại thi đua cải tạo tiến bộ.

Tuy nhiên, theo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, dù đã có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện tuy nhiên trong thực tiễn phát sinh nhiều tình huống gây khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác kiểm sát việc thi hành.

Từ đó, đầu tháng 7-2020, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (Vụ 8) đã có văn bản đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp thống kê số liệu người được tha, người được giảm, người vi phạm nghĩa vụ…. và những khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát việc thi hành quyết định tha tù trước thời hạn giai đoạn từ đầu năm 2018 đến 30-6-2020.Việc báo cáo thực hiện trước ngày 25-7-2020.

Anh Tuấn