Một thực tế là có thể ở nhà bạn bị vợ mắng, con khinh; ra đường bạn giật mình bởi ánh mắt của chú nào đó săm trổ; ở cơ quan thì đồng nghiệp coi thường, sếp bỉ bôi… Tuy nhiên, trên mạng xã hội, thậm chí mặt báo, bạn ngạo nghễ chỉ trích tổng thống Mỹ, phê phán thủ tướng Anh, kiểm điểm vua Nhật, lên lớp thủ lĩnh Quốc hội Nga…
Điều nghịch lý mà rất đỗi
hợp lý ấy được giải thích bằng lý thuyết Mặt nạ của ngành Xã hội học. Tức là
trong mỗi mối quan hệ thì bạn đóng vai trò xã hội khác nhau, và việc sắm vai ấy
quy định thái độ và vị thế của bạn trong lúc tương tác.
Trước bồ thì chiều chuộng,
trước đối thủ thì sống mái, trước láng giềng thì tuyệt đối không ứng xử như bồ…
đại thể thế.
Lý luận vòng vo vậy chỉ
vì nay đọc tin một chàng nghiện game ở TP Thủ Đức xách búa đi cướp tiệm vàng
trong quận Bình Thạnh. Cảm nhận ban đầu thì có vẻ như bạn này đang bê thế giới ảo
vào đời thực, sắm vai siêu nhân và coi tiệm vàng như một mục tiêu để tăng cấp độ
trò chơi.
Bạn ấy ngộ nhận, nghĩa là tự đeo chiếc mặt nạ vẽ ra rằng mình sinh ra để làm siêu nhân.
Nếu thế, nói là đối tượng manh động, coi thường pháp luật cũng đúng; mà nói là một dạng bệnh lý tâm thần, lẫn lộn đời thực và đời ảo cũng đúng. Bị nhồi sọ tới mức ảo tưởng mình bất khả xâm phạm thì ít nhất cũng quá "siêu" trong suy nghĩ.
Ở khả năng thứ hai, nên chăng pháp luật thông cảm cho hành vi sắm vai tiếu ngạo giang hồ ấy để giảm hoặc miễn trách nhiệm hình sự?.
Đó có thể lại là một cách ứng xử với vụ án khá thú vị. Tương tự như cách xem xét việc phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, hoặc hạn chế nhận thức...
Suy rộng chút, rượu, ma túy... cũng là thứ chi phố tri giác người sử dụng. Vậy coi họ là nạn nhân hay xử lý họ như xử lý những kẻ phạm tội tỉnh táo?
Quay trở lại câu chuyện Mặt nạ, trong thiểu số trường hợp, rất khó để đánh giá một cá nhân khi hành xử là đang nghiêm túc thực hiện vai trò xã hội hay đang nhầm lẫn một cách rất nghiêm túc vai trò xã hội...
Nói đâu xa, hồi xưa tôi cũng mê Tam Quốc Diễn Nghĩa đến nỗi trước bất cứ xung đột cá nhân nào đó, suy nghĩ đầu tiên thường là “Nếu mình làm vậy có giống Quan Công không?”
Giờ thì khác chút chút rồi.
Trần Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét