Thứ Hai, 14 tháng 12, 2020

Ngày trở về

Hồi chín năm trước, người dân là tôi lần đầu động chạm tới đương kim bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng bằng ý kiến “Ngài Thăng liệu có thăng? - http://congionong.blogspot.com/2011/10/len-ong.html?m=0 ”. Thời điểm ấy, cảm xúc của tôi giống như một số người hoài nghi, thậm chí hằn học việc ông Đoàn Ngọc Hải phát động cuộc chiến vỉa hè vài năm sau đó.

Tức là, tôi không tin bộ trưởng là người dám nghĩ, dám làm và làm được. Việc trảm tướng ngành cầu đường, ra tối hậu thư cho các nhà thầu dường như là những động thái trên sân khấu chứ không phải ngoài thực tiễn.

Ngay cả việc ông quyết liệt xây cầu đi bộ cho các bệnh nhân ung thư, rồi khi về làm Bí thư TP.HCM đã có ý giải cứu nông dân nuôi bò sữa Củ Chi… thì cũng chỉ thấy bóng dáng của một tư lệnh trận mạc chứ không phải tư chất của lãnh đạo chiến lược.






Và rồi tư lệnh trận mạc ấy đã “thăng” bởi những vụ án bắt nguồn từ chính chất trận mạc, tùy biến, ngây thơ, xốc nổi, chủ quan... của ông.

Luật pháp rất công bằng. Nếu ông dính chừng 10 tội với mỗi tội 30 năm thì ông sẽ đối diện với khả năng 10 lần bị tuyên 30 năm, nhưng cũng chỉ đi tối đa 30 năm.

Nhưng chỉ cần đứng trước tòa chừng 3 lần, thì cái quyền được giữ thể diện đã như bèo dạt mây trôi rồi.

Bỗng thương một người con láng giềng với Tú Xương, Ba Giai, Tú Xuất.

Viết những dòng này sau khi đọc lại điển tích Tào Tháo chém Vương Hậu.

Anh Tuấn

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

Chọn gì trước thiên tai?

 Ngành Xã hội học tôi học có tiếp cận lý thuyết hành vi. Lý thuyết ấy đại thể nói rằng trước mỗi tình huống thì cá nhân luôn có xu hướng lựa chọn cách hành xử sao cho có lợi nhất.

Ông thấy cục tiền giữa đường, ông sẽ chộp ngay lấy và mang đi nhậu. Hoặc cũng cục tiền ấy, ông mang về đóng học phí cho con. Ngoài ra, ông còn nhiều lựa chọn khác nữa như xách tới công an, làm giấy gián diều hay ném mẹ nó đi….

Những phương án lựa chọn trên đều thống nhất rằng ông làm vì ông thấy điều ấy thỏa mãn cho ông. Sự  lựa chọn cách “thỏa mãn” như thế nào là do học vấn, văn hóa, vốn xã hội của ông.



Mấy hôm nay, nhiều năm nay… tôi thấy việc cứu trợ cho người dân vùng gặp thiên tai cứ xuân thu nhị kỳ. Nói đều như vắt chanh thì quá, nhưng thường xuyên thì đúng.

Vấn đề là bên cạnh cái quỹ phòng chống thiên tai, cái hô hào của các cấp chính quyền… thì sự xúc động nhất của việc “đều như vắt chanh” luôn đến từ những cá nhân dân dã.

Những cá nhân ấy kêu gọi ủng hộ tiền bạc, mì tôm, quần áo cho đồng bào gặp nạn. Họ xông pha vào vùng lũ phát quà cho dân. Họ bỏ tiền, bỏ công sức, bỏ sự lo lắng của chính người thân họ chỉ vì muốn san sẻ với người dân gặp nạn…

Họ lựa chọn hành vi, cách làm nghĩa hiệp như thế vì họ thấy phù hợp nhất cho lý tưởng của họ.

Nếu đặt vào vị trí người dân trong lũ, tôi chắc chắn sẽ cảm ơn manh áo, gói mì của họ. Tuy nhiên, cảm ơn là một chuyện còn chua chát là một chuyện.

Bởi, rõ ràng đây không phải năm đột xuất, mà như nhiều năm, những hoạt động từ thiện của kia rõ ràng thể hiện sự thiếu an tâm vào phản ứng giúp dân của chính quyền. Nói cách khác, là một lời trách đầy cay đắng gửi tới giới được chọn vào hàng ngũ tinh hoa phục vụ dân.

Hoạt động từ thiện ấy đang vô hình trung  tạo sự yếm thế, địa vị thấp kém, tâm lý chịu ơn tới chính những đồng bào nhận từ thiện.

Và hoạt động ấy nếu liên tục, tôi nghi nó đang manh nha tạo ra thói đạo đức giả, thương vay khóc mướn ở bất cứ tầng lớp nào.



Nên, lựa chọn hành vi trong câu chuyện thiên tai này, từ việc nhỏ là cho/nhận giữa người dân tới việc lớn là xây dựng quy hoạch, lập chính sách của chính quyền, thậm chí tưởng nhớ người đã khuất… chính là sự phản ánh nhận thức, mối quan tâm, giá trị, học vấn, văn hóa… của những người tạo ra hành vi đó.

Anh Tuấn

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

Sách Tiếng Việt: Người lớn thích tiền, trẻ con chỉ cần kẹo

Ở tuổi lên 6, hiệu quả ghép vần là quan trọng hơn cả. Cái tài, đồng thời là sứ mệnh của giáo viên chính là kỹ năng mở rộng bài học ở trên lớp.


Tôi không biết các bậc phụ huynh đang phản ứng kịch liệt với nhóm tác giả sách Tiếng Việt lớp 1 kia đòi hỏi gì ở lứa tuổi măng non. Với tôi, chuyện các bé nhanh biết đọc, viết là ưu tiên hàng đầu. Vấn đề đạo đức, lối sống, lòng trung thực, tính khiêm tốn… ở tuổi này phần nhiều phụ thuộc vào gia đình nơi chúng được nuôi dưỡng, khu vực nơi chúng lớn lên.

Ở cuốn sách giáo khoa đang gây tranh cãi kia, nhược điểm lớn nhất mà nó mang việc các tác giả sách đã xào xáo lại những tác phẩm nước ngoài một cách khiên cưỡng. Còn thì tập sách cho trẻ vỡ lòng đó đáp ứng được nhiệm vụ giúp trẻ nhanh chóng ghép vần, bước đầu tiếp cận với những từ láy, vốn là một đặc điểm của ngôn ngữ mang nhiều vần điệu của tiếng Việt.

Cùng với đó, một lý giải rất có lý của nhóm tác giả, là bên cạnh nội dung ngắn gọn của bài đọc, giáo viên chính là người đóng vai trò hướng dẫn, định hướng cho học sinh…

Vậy thì cớ gì các phụ huynh chỉ nhìn vào những dòng chữ trên mặt giấy mà vội vàng phán xét?.

Không lẽ những thầy cô bị loại khỏi vị trí “người đưa đò” để trở thành những cái máy dạy học sinh?. Họ lẽ nào không lưu ý các bé thêm về những hành động khó hiểu của con cò hay con ngựa trong sách giáo khoa?. Họ lẽ nào không gợi ra để các bé biết phía sau các mẩu chuyện rút gọn đó còn mênh mông bao sự thú vị?...

Cái tài, đồng thời là sứ mệnh của giáo viên chính là kỹ năng mở rộng bài học ở trên lớp như vậy.

Hiện không có số liệu thống kê tình trạng vô tâm với cha mẹ, thiếu tử tế với bạn bè, phản bội các giá trị xã hội của các thế hệ học sinh qua các thời kỳ cải cách giáo dục. Do vậy, không thể khẳng định những hệ lụy vừa kể có sự khác nhau trong cách tiếp cận chương trình lớp 1.

Tuy nhiên, tỉ lệ người biết đọc, viết và không tái mù chữ ngày càng được cải thiện qua các năm.

Và tôi cho rằng, những ai đứng dưới góc nhìn giáo dục phẩm chất trẻ nhưng lại dùng ngôn ngữ đầy nặng nề và xúc phạm… thì có lẽ họ đang mâu thuẫn với chính phát ngôn của họ.

Một cách gián tiếp, họ đang đồng ý rằng những cảm xúc thiếu kiềm chế ngày hôm nay của họ không có nguyên nhân từ việc ngày xưa họ tiếp cận những con chữ đầu đời như thế nào.

Đương nhiên, nếu sách có sạn và gạt sạn từ ngay khi nó còn thai nghén thì tốt quá. Tuy nhiên, nếu nó chỉ được có thế thì không nên vì cái đạo đức của nhóm người trưởng thành mà hè nhau sỉ nhục những người soạn sách cho trẻ.

Những người soạn sách ấy, theo tôi, chỉ vì mục tiêu ưu tiên là trẻ nhanh nắm bắt quy luật chính tả. Các định hướng làm công dân tốt khác, xin hãy san sẻ cho hệ thống các môn học từ phổ thông tới đại học, gia đình, địa phương và “trường đời”.

Anh Tuấn

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

Mỗi năm mỗi sự thình lình

 Chẳng riêng Việt Nam, bất cứ nơi nào đó trên địa cầu gặp thiên tai hay thảm họa, loài người chắc chắn xắn tay hoặc chung tay hỗ trợ.

Nên, phê bình về thói quen hành xử thương người như thương thân, lá lành đùm lá rách là một sự phê bình phản tiến bộ thế giới. Sự phản tiến bộ ấy nghệ sĩ coi là lãng mạn, trí thức nói là ý kiến khác, giới chính trị gọi thẳng là phản động.



Tuy nhiên, trong một số trường hợp không đến từ nguyên nhân thảm họa bất thình lình thì việc phê bình là cần thiết. Bởi, nó mang những trăn trở về tương lai của một nhóm địa phương thường xuyên điêu đứng mỗi khi mùa mưa bão tới.

Từ nhiều năm nay, việc chính phủ hỗ trợ cứu đói, MTTQ phát động ủng hộ đồng bào, các tổ chức, cá nhân khác kêu gọi quyên góp… dường như không còn là một nhiệm vụ đột xuất, mà thậm chí diễn ra theo chu kì.  Và, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu toàn bộ doanh nghiệp hoặc nhóm người tốt bụng nào đó dành hẳn một loại quỹ mạnh thường quân để sẵn sàng thể hiện sự sẻ chia mỗi khi có thiên tai.

Thế hóa ra đến thời đại này, mưa bão đi về theo đường mòn thời gian cả trăm năm nay vẫn là một con ngáo ộp bất trị? Chúng ta vẫn phải dành một khoản tình thương và những chiếc lá lành như một quỹ chi thường xuyên?. Chúng ta vẫn khóc lại những bài khóc cũ của nhiều năm trước như thương lằm tỉnh A ơi; Cố lên tỉnh A ơi; Tỉnh A ơi đứt từng khúc ruột…?

Trong khi, khám phá quy luật khắc nghiệt của tự nhiên để điều chỉnh, cảnh giác, phòng tránh, triệt tiêu sự quái ác của nó không phải không nằm trong khả năng của con người thời đại này. Vậy mà mỗi mùa mưa bão, chúng ta vẫn hướng về tỉnh A, vùng B, địa phương C với sự canh cánh tâm tư như một thói quen?.

Tôi cho rằng thói quen ấy đang đồng lõa với sự buông xuôi, phó mặc, nhu nhược trước thiên nhiên...

Hiện tại thì nên, nhưng về lâu dài thì có lẽ cần sự hết lòng hơn từ những điều chỉnh vĩ mô.

Trần Tuấn

Thứ Ba, 13 tháng 10, 2020

Những điệp khúc có thể cắt

Mỗi năm, người Việt bất đắc dĩ tế cho thiên tai hàng chục mạng sống, bao gồm bị nước cuốn, sạt lở, sập công trình, chưa kể bị sét đánh.

Nguyên nhân khiến bè lũ Thủy tinh lộng hành đứng từ góc nhìn phủi trách nhiệm là do biến đổi khí hậu toàn cầu, phá rừng, tận thu tài nguyên...


Đứng từ góc nhìn quản lý là do hệ thống dự báo, cảnh báo, tuyên truyền, chế tài… khi nước tới chân của cơ quan chức năng chưa thật tối ưu.

Đương nhiên, thiên tai nếu không ảnh hưởng về người thì là thiên tai biết làm thơ.

Tuy nhiên, số chết năm này tương tự hoặc vượt năm sau thì cần đặt dấu hỏi về kinh nghiệm ứng phó bão lũ của những địa phương luôn kiêu ngạo (hay kiêu hãnh) về lịch sử chống chọi những khắc nghiệt của trời đất.

Cũng cần đặt câu hỏi về tính chủ quan, cẩu thả, liều lĩnh với lý do mờ nhạt của không ít người Việt.

Và đương nhiên, cần đặt câu hỏi về năng lực lo cho dân của những thành phần không phải dân.

Chứ năm nào cũng có người chết, cũng cảm thương, cũng ngậm ngùi, cũng ai oán, cũng tôn vinh những gương dũng cảm… như một điệp khúc thì rất đáng tiếc.

Mà tiếc nhất là không rút ra được bài học nào ra trò. Thậm chí, đến thương vay khóc mướn cũng vẫn là những điệp khúc thiếu tính phát hiện.

Anh Tuấn

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2020

Chùm thơ ‘con cóc’ vụ Đồng Tâm

 KHAI MÀN

 

Sáng nay xử vụ Đồng Tâm

Tung đồng xu thấy Dương – Âm lẫn lộn

Ít nhiều bị cáo héo hon

Chỉ mấy cảnh sát là còn phương phi


 

Quan tòa chả buồn thị uy

Chục luật sư chả nói gì sâu xa

Vợ ông Kình, vợ người ta

Hoặc không hoặc chẳng thiết tha được mời

 

Di ảnh bốn vị qua đời

Đều không xuất hiện như lời đồn thổi

 

Còi xe trại giam Hà Nội

Tạm thời im lặng như hồi chưa kêu

Phóng viên báo chí cũng nhiều

Máy ảnh thì lắm máu liều thì không

 

Sân tòa chỗ vắng chỗ đông

Thi thoảng lại thấy có ông rất ngầu

Ti vi treo ở dưới lầu

Hình nét nên thấy rõ đầu hoa râm

 

Một người từng xuống Đồng Tâm

Là chủ tịch Nguyễn Đức Chung không tới

Luật sư hỏi, tòa mới nói

Té ra là, chắc chắn rồi, vô can

 

Buổi xét xử sáng vừa tan

Hóng chín ngày nữa xem càn khôn sao?

Ngày 7-9 - (Ảnh: VNE)

 

 

ÂM TI CHỚ NHẦM

 

Ngày mai tỏ mặt anh hào.

Án oan, án đúng án nào lên ngôi?

Dẫu gì cũng thế mà thôi.

Bốn người đều đã qua đời một đêm.

 


Hồ sơ tuyên án có êm?

Hay cần trả lại để thêm cái gì?

Hấp tấp sẽ rất là nguy.

Tà tà qua đại hội thì cũng ổn.

 

Đêm qua tớ tính viết đơn.

Hỏi Diêm vương ngủ hay còn trong bar

Bút sa là mạng người ta.

Ngài mà gạch ẩu thì loa dễ rè.

Ngày 13-9 - (Ảnh người làng đón người làng - Ảnh báo Tuổi trẻ)

 

 

TẠM CHỐT THÔN HOÀNH

 

Cả ngày nay thấy im re.

Cứ tưởng phóng viên về quê chăm bò.

Bỗng dưng chiều muộn bất ngờ.

Té ra vẫn có vụ tòa Đồng Tâm.

 


Thuốc độc chia đều hai phần

Hai ông Công, Chức lìa trần nay mai

Hơn chục người còn tương lai.

Ít nhiều cũng mất một vài mùa xuân.

 

Chiến thuật chiến tranh nhân dân.

Thắng dòn thắng dã muôn phần vẻ vang.

 

Hôm nao ai đó về làng.

Rảo chân thăm dải lúa vàng ven sông.

Nhặt hòn đất giấu vào lòng.

Sẽ nghe tiếng nấc bên trong tim mình...

Ngày 14-9 - (Ảnh quê hương - Ảnh mạng)

 

Trần Anh Tuấn

Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2020

Bầu không khí hôm nay...


Hạ nhục (tước công trạng) và trừng phạt (bỏ tù) là hai phương pháp chủ yếu để xử lý một vài cá nhân vi phạm chuẩn mực thời đại.

Những phương pháp này có thể giúp cho vài bộ phận dư luận hả hê, phấn khích với mỹ từ công bằng nằm ở tương lai. Tuy nhiên , nó đang bóp nghẹt một xã hội có đặc trưng văn hóa trọng tình.



Đồng ý rằng luật pháp là một nấc thang vươn tới xã hội văn minh. Nhưng, mọi sự văn minh, xét cho cùng, đều phải bắt nguồn từ cách hành xử đúng bản chất người, tức nhân văn.

Cô con gái có thể kiện bố ra tòa vì bố chê béo, xấu… và thắng kiện. Song tiểu thư ấy không bao giờ nhận huân chương công dân mẫu mực nếu có. Thậm chí, cô ấy còn bị đánh giá là dạng ăn cháo đá bát, vắt chanh bỏ vỏ, qua cầu rút ván…

Khi cái xã hội coi trọng sự đối xử thân thiện giữa người với người, cổ vũ tính phục thiện, tôn vinh tinh thần quay đầu là bờ… bị thứ nhân danh tiến bộ đàn áp…

…thì cái xã hội đó dường như đang biến thành xã hội có bản chất của máy móc.

Anh Tuấn


Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

Rón rén và Hả hê



Yêu cầu tối cao của một Biên tập viên là khả năng làm xiếc với thông tin.  Tức, kỹ thuật đánh giá, tổ chức, cân bằng, nhiều chiều và khách quan.

Vốn ngôn ngữ đối với Biên tập viên là cần thiết nhưng không phải nhiệm vụ quá trọng yếu. Tuy nhiên, vẫn cần học hỏi để từ thân phận công nhân chữ nghĩa lên thợ viết rồi thành nghệ nhân.



Dùng “Nguyên” hay  “Cựu” là một trong số những bài tập thử thách bản lĩnh.

“Cựu” hoặc “Nguyên”, xét về mặt chức vụ, là vị trí công tác của một cá nhân từng đảm nhiệm, như Nguyên trưởng ban tổ chức, Cựu trưởng ban tổ chức…

Tuy nhiên, giống như “Người yêu nó” hoặc “Con bồ nó”, dùng “Cựu” thay “Nguyên”  thể hiện thái độ của người gọi đối với cá nhân ấy.

Nói “ông A. là Cựu Tổng biên tập” thì sự tôn trọng luôn thua  “ông A. nguyên là Tổng biên tập”

Khi nói về các tay chức sắc về vườn của phe Tư Bản, báo chí mình gom hết một loạt từ tép riu đến đầu sỏ bằng “Cựu”. Còn với những người từng là quan chức trong nước, ta tự nguyện gật gù lựa chọn “Nguyên”.

Gần đây thì lai căng, tự diễn biến một chút. Và sự lai căng, trong run rẩy, tạo ra sự bất bình đẳng về đối xử. Độc giả bắt gặp nhan nhản “Cựu” nếu nguyên quan chức ấy ngã ngựa hay từng chỉ là Bộ trưởng hoặc quan tỉnh đổ xuống.

Người trên chức Bộ trưởng về hưu, chưa mấy báo dám xổ tiếng “cựu”.

Dù có kẻ phân biệt “Nguyên” tức là vẫn còn năng lực cống hiến ở những vị trí khác, còn “Cựu” là an bài với phận hưu… song theo tôi, đó là sự phân biệt phần nhiều mang tính tự phát, tự sướng, tự an ủi, tự làm dốt mình.

"Mẹ mày", "Bu nó", "Bà nhà"...

Đều là cách gọi vợ già, vậy thôi!

Âu nó cũng thể hiện sự rón rén hoặc hả hê.

Trần Tuấn

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2020

‘Ngáo ngôn’


Trí tưởng tượng, về mặt tích cực, giúp kho tàng văn hóa nhân loại tích lũy những tác phẩm thần thoại, sử thi, cổ tích… khổng lồ. Tuy nhiên, mặt trái của nó, đặc biệt là những tưởng tượng trong thế giới hiện đại, đôi khi biến loài người là nạn nhân của chính tố chất đã sáng tạo nên họ.

Phạm nhân chung thân Triệu Quân Sự nghiện game. Quá trình trốn trại, bôn tẩu… tới nụ cười khá ngây ngô lúc bị bắt của Sự hệt như phim.



Lời khai nam sinh tại Nghệ An trói bé 5 tuổi đến chết trong ngôi nhà hoang cũng thể hiện lúc phạm tội là bị can này đang hào hứng tái hiện một trò chơi trong thế giới ảo.

Rất, rất nhiều những vụ việc tổn thương xã hội khác cũng có nguyên nhân từ game. Đó thực sự là thứ thuốc độc tinh thần ghê gớm.

Từ vụ Hồ Duy Hải, tôi đọc lại những thước phim sát nhân mà ông Nguyễn Thanh Chấn khi thành người trong sạch kể lại mà ngao ngán. Rằng người ta bắt ông luyện tập cầm dao ra sao, đoạt mạng thế nào, bế xác đã hợp lý chưa…

Mới thấy, “game thủ” không phải tới thời đại Internet mới xuất hiện. Những tín đồ vì nhiệm vụ hoặc vì đam mê mà “ngáo game” có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, bất cứ lĩnh vực nào.

Và, "trò chơi phát ngôn" có thể là một dạng “ngáo” đặc biệt gây hại nếu nó rõ ràng đang mang tính bao biện, lấp liếm...

Trần Tuấn

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2020

Đạo đức tự vấn?


Tôi thực sự không thể nghe hết lời phát biểu của Đương kim Chánh tòa tối cao trước Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải bởi cảm giác rất khó tả khi lý luận của ông không giống như chờ mong của tôi.



Biết rằng lời của ông cũng là ý chí của 16 vị trong phiên xét xử Giám đốc thẩm vừa rồi, nên, nếu nói về niềm tin nội tâm thì giữa tôi và các vị đang trong hoàn cảnh 17 đánh 1 không chột cũng què.

Nhưng, nói về các thao tác điều tra trong vụ án này, về quy trình thu thập chứng cứ, về cách phân tích, tố tụng… thì mặt trận của 17 vị là toàn bộ nhân dân yêu chuộng sự sáng tỏ của công lý, là tinh thần trọng chứng hơn trọng cung, là nguyên tắc suy đoán vô tội…

Lời của Chánh án có là khuôn vàng thước ngọc hay không? Có phản ánh chính xác câu “miệng nhà quan có gang có thép? hay không… cứ chờ thời gian hoặc vua Lý Thái Tông kiểm chứng. Hạ hồi sẽ phân giải.

Nhưng trước mắt, có vẻ như ngài tạo một tiền lệ xấu khi liên tục bám vào lời khai bất lợi cho Hồ Duy Hải để thanh minh, giãi bày, trả lời trước Quốc hội của hơn 90 triệu dân.

Cũng may, ngài không học tập gương cấp dưới tại tòa Bình Phước để lặp lại hai mỹ từ Khách quan, Công tâm.

Có điều, thanh xuân của một cá nhân hơn một thập kỷ phải nẩy mầm trong phòng biệt giam để nuôi hi vọng mong manh vào phán xét cuối cùng… có lẽ là một thanh xuân bi kịch nhất, dù Hải có phạm tội hay không.

Trần Tuấn

Thứ Ba, 9 tháng 6, 2020

Ảo tưởng hơn Tự nhục


Hồi những năm 1980, tôi sống ở TP Nam Định. Tiếng là đô thị nhưng cũng như kinh tế các địa phương bị phong tỏa bởi gọng kìm “bao cấp”, người dân TP luôn chật vật chuyện áo cơm.

Tôi nhớ, có một số người sở hữu học vấn nhỉnh hơn mặt bằng dân trí. Họ hiểu nhiều chuyện thế giới bên ngoài, biết về văn minh phương Tây và cháy bỏng khát vọng thụ hưởng những nền văn minh đó.



Câu chuyện cái cột điện (sừng sững, hiên ngang, biểu tượng của sự kiên cường) nếu có chân cũng sẽ chạy sang nước Mỹ có lẽ bắt nguồn từ mong muốn được đổi đời thời điểm ấy.

Nay, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên hệ chuyện cây cột điện có chân. Nếu đặt trong hoàn cảnh so sánh giữa cấp độ văn minh cũng như hai nền kinh tế Việt-Mỹ hiện tại… thì chuyện đôi bên học tập nhau, chạy sang nhau, có nhu cầu về nhau trong lĩnh vực nào đó là chuyện rất bình thường.

Có điều,  khi đó ông đang nói về những thành tựu trong nước tại một cuộc thảo luận nên nhiều người dùng mạng xã hội lập tức phản ứng theo chiều hướng tiêu cực, phán ông đã quá lời. Rằng mới thành công một tẹo đã ví von cột điện muốn thay đổi quốc tịch, rồi mỉa mai abc này nọ.

Như vậy là Thủ tướng lộng ngôn hay lạc quan?  

Nếu lộng ngôn thì sự lộng ngôn chưa thấm tháp gì với các bậc tiền bối. Hãy xem những thế hệ đáng kính trước đây từng “Thần khẩu hại xác phàm” thế nào.

Các cụ ông từng khẳng định nếu được vợ đồng ý thì Biển Đông cũng dễ dàng tát cạn (thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn). Họ cũng gây giống thần tốc được voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao…

Thậm chí, sẵn sàng bẻ gãy quy luật toán học khi “yêu nhau 9 bỏ làm 10”…

Còn nếu để ý quan điểm của những cựu lãnh đạo, ta còn thấy họ lạc quan hơn nhiều. Điển hình là dự đoán “tư bản đang giãy chết” mà thực tế gần đây lại chứng minh ta là đối tác toàn diện, đối tác chiến lược với những thành viên của hội giãy chết đó.

Còn Thủ tướng với phát ngôn “cột điện”,  năm qua ông làm được những gì cho đất nước?... Cứ nhìn những con số thống kê tích cực về kinh tế, y tế, giáo dục, an sinh xã hội… sẽ biết.

Như vậy, lộng ngôn (nếu có) thì sự “chém gió” ấy cũng không nên soi mói dưới góc nhìn thiếu thiện cảm.

Người thanh niên Nguyễn Ái Quốc từ lúc phát hiện mặt trời chân lý chói qua tim đến nay đã gần một thế kỷ mà chân lý vẫn chỉ là là ánh sáng, vẫn chưa thành hiện thực…. thì hà cớ gì ta khắt khe với học trò của học trò ngài?

Quan điểm của tôi: Mình thà ảo tưởng còn hơn tự nhục!

Anh Tuấn

Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020

Kỵ binh


Trong lịch sử, từ Văn Lang, Âu Lạc, Đại Cồ Việt, Đại Việt, An Nam, Việt Nam… thì sức trâu luôn được sử dụng nhiều hơn sức ngựa.

Các triều đại ấy luôn phòng ngoại xâm và đuổi ngoại xâm, chưa bao giờ thực hiện chinh phạt như Anh, Mông Cổ hay La Mã nên con ngựa không thể được coi như một biểu tượng.

Do vậy, sinh ra một đơn vị kỵ binh như hiện nay, nếu được sử dụng trong các sự kiện mang tính nghi lễ là một sự lố bịch.



Nếu được sự dụng trong việc trị an thì lại càng hài hước. Chẳng khác gì thời đại điện thoại lại sính nuôi chim bồ câu đưa thư.

Và kệch cỡm! Giống như cưỡng bức chàng tiều phu Thạch Sanh bước ra ngoài đời thực với chiếc cưa máy trong tay.

Chỉ có tác dụng du lịch khi tạo hình ảnh đối nghịch. Rằng, thay vì mặc giáp, đeo khiên, cầm giáo thì kỵ binh thời nay cưỡi ngựa với lỉnh kỉnh súng đạn, bộ đàm, dùi cui…

Đất nước ngàn năm văn hiến, nhưng không thể nhân danh văn hiến để sáng tạo ra một đội quân chẳng giống ai.

Có lẽ nên bàn tới chuyện xây dựng đề án tinh giản bộ trưởng là vừa. Nhập Bộ Văn hóa với Bộ Công an lại.

Anh Tuấn

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2020

Hoa phượng và chuyện đổi não trạng


 Chặt cây phượng trong trường học thực ra cũng tốt.

Bởi, các thế hệ học trò xưa nay thường gắn thời học sinh của họ với hoa phượng, với kỷ niệm cháy bỏng cùng những nỗi buồn chia ly lúc hè về.

Hoa phượng hay Hoa học trò, một cách không chính thức trở thành biểu tượng của giai đoạn cắp sách tới trường. Chặt phượng, tức là góp phần chặt gãy cái tư duy nhiều năm ấy.

Lối mòn, nếu đi nhiều quá sẽ trở nên lầy!



Nhìn rộng ra, lâu nay chúng ta hay nghe những mỹ từ hô hào đột phá trong kính thưa các lĩnh vực abcd. Có điều, nhiều lời hô hào, thậm chí hiệu triệu đó thực ra xuất phát từ những chiếc loa cũ.

Bạn cứ thử đột xem? khả năng cao là thủ trưởng sẵn sàng phá hỏng sự nghiệp lĩnh lương của bạn.

Rộng hơn nữa là các thể loại lý thuyết xã hội, nên coi đó là những gợi ý áp dụng hoặc kim chỉ nam cho một giai đoạn. Nếu cứ nhất mực xem chúng là chân lý vĩnh cửu, e rằng, chính mớ lý thuyết đó sẽ là nguyên liệu để hỏa thiêu loài người.

Chuần mực cũ già thì cũng nên để cái chuẩn non nó mọc.

Anh Tuấn



Thứ Ba, 2 tháng 6, 2020

‘Máy trợ thở’ cho Cát Linh – Hà Đông


Dự án đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người, là một bảo tàng về báo chí phản biện, một bài học về phương pháp tính cua trong lỗ và là một sợi dây kinh nghiệm được dệt bằng kim cương.



Giống như sự thiếu tu dưỡng của cán bộ, dự án cũng có quá trình thay đổi bản chất. Khởi đầu, nó sinh ra với mục tiêu phục vụ sự đi lại của toàn dân. Bây giờ, nó nằm đấy dường như để phục vụ những nhóm người có tiền nhưng thiếu (hoặc) quá thông minh.

Với đất nước, dự án này thủ phạm không chỉ làm suy yếu nguồn lực tài chính quốc gia, nó còn đang ghi dấu tiêu diệt một nguồn lực cực kỳ quan trọng khác. Đó là nguồn lực về niềm tin xã hội.

Nhưng dù gì thì dự án này nhiều năm nay vẫn sống ổn. Nó sống bởi những tuyên bố, khẳng định cùng những cam kết luôn nhuốm màu sắc lạc quan.

Trần Tuấn


Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2020

Hèn gia


Thầy dạy năm thứ 3 của tôi từng nói, đại ý: Hành trình tiến tới Xã hội Tự do là một hành trình chỉ có trong cổ tích. Bởi trên con đường ấy có vô vàn cánh cửa mà giới cầm quyền dựng lên.

Khi xã hội quá bức bí, giới ấy sẽ mở một cánh, ngột ngạt tiếp thì mở thêm cánh nữa…. miễn sao việc mở đó không ảnh hưởng tiêu cực tới sức mạnh quản lý của họ.



Ví dụ trước đây đi tù là chấp nhận mọt gông, hó hé phản ứng hay kêu vô tội thì bắc thang lên mà hỏi Trời… Sau đó thì cánh cửa cải cách tư pháp mở ra và xuất hiện những ngôi sao oan Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén…

Hoặc ngược lại, người Hồng Kông đang trong bầu không khí dễ chịu và khá tiến bộ của thể chế tự trị. Tuy nhiên, cứ muốn là chính quyền Trung ương dựng hàng rào, mới đây nhất là việc bàn bạc luật nhằm xử lý những người xúc phạm một bài hát.

Quyền lực của Báo chí, những tổ chức phi chính phủ  hay áp lực quốc tế không quá mạnh như từng ảo tưởng, chúng chỉ giống như nỗ lực đúc chìa khóa. Việc mở được ổ khóa cửa nào hay không lại phần nhiều phụ thuộc vào ý chí của giai cấp thống trị.

Quẫy đạp hay Đấu tranh là những khái niệm xa xỉ không dành để trang điểm cho toàn bộ nhân dân.

Và tôi, không biết từ bao giờ trở nên hèn theo lý tưởng của những ai tự coi là dũng cảm.

Tuy nhiên, im lặng cũng có sự rất thú vị của im lặng (hay hèn) chứ.

Bởi, sự hèn giúp tôi tránh được những xung đột xã hội nếu những xung đột ấy có thể khiến người trong gia đình tôi tổn thương.

Hèn, giúp niềm hạnh phúc được ăn cơm với nửa cái đùi gà rim mắm những năm 1980 của tôi đến 2020 vẫn là niềm hạnh phúc. Nó không giống như những đàn em khác tới nay đã lên đời giá trị sung sướng với đặc sản cá, chó, mèo, bia ôm…

Hèn, giúp tôi phát hiện một số người trong giới hèn thực ra lại là những đỉnh cao của đẳng cấp rũ bỏ những rác rưởi cuộc sống.

Hèn giúp tôi có thể trở thành một nhà lý luận cho những hành động say máu nực cười…

“Hèn gia” vì vậy đương nhiên sánh với các thể loại “chuyên gia” từ giáo dục, khoa học, lịch sử, ảo thuật…

Anh Tuấn

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2020

‘Chạy thiến’?


Xâm hại tình dục, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, là một hành vi mà nếu để người dân xử lý thì hung thủ chỉ còn nước dựa cột mới xứng đáng.



Và, báo cáo giám sát của Quốc hội kỳ họp này chỉ ra rằng chỉ một năm rưỡi đã có trên 8.400 vụ trẻ em bị xâm hại.  Như vậy, trên thực tế con số những kẻ dâm đãng lệch lạc có thể lên tới hàng chục  nghìn trong khoảng thời gian đó.

Thật rất đáng phẫn nộ!.

Tuy nhiên, từ cảm xúc xã hội tới hiện thực hóa sự trừng phạt qua luật luôn là một khoảng cách không gần. Quyền được sử dụng năng lực tình dục chính là thứ quyền lấp ló xuất hiện dưới lớp áo mỹ miều mang tên Hiến Pháp, bằng những tên gọi khác – “Mọi công dân có quyền abcd…”.

Nếu thiến, còn gọi là hoạn, hoặc làm tê liệt sự ham muốn… theo ý tưởng của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương tức là tước đoạt triệt để và thủ tiêu vĩnh viễn một trong “tứ khoái” của cá nhân.

Trong khi những người phạm các tội danh khác, sau thời gian cải tạo tốt, họ có cơ hội quay lại xã hội với một cơ thể và máu dê nguyên vẹn, thì hà cớ gì bắt những tội phạm xâm hại tình dục phải mang cái án chung thân bất lực?

Rồi gián tiếp khiến những người vợ, người yêu của những tội phạm tình dục đó vì tình cảm thương mến mãnh liệt mà phải đêm đêm than thở não nề hờn giun trách bún?

Hoặc giả sử Đại biểu quốc hội đề xuất thiến hóa học xong kèm Nghị định, Thông tư hướng dẫn thiến có lộ trình, diệt dục có thời hạn… thì hóa ra thiến mà như không thiến.

Thế là thành ra vừa tốn tiền, vừa dễ phát sinh tiêu cực “chạy thiến”?.

Trần Tuấn

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2020

Công lý không đứng im


Nếu đó là hung thủ vãng lai và Hồ Duy Hải bị kết tội sát nhân thì hung thủ đó đã cướp đi ít nhất ba mạng người

Nếu đó là hung thủ vãng lai và Hồ Duy Hải được minh oan thì hung thủ đó nhất định tiêu diệt rất nhiều sinh mệnh chính trị cùng số tiền ngân sách bồi thường oan đủ để xây dựng vài Đề án luật.




Nếu hung thủ đó là Hồ Duy Hải và Hải bị kết tội sát nhân thì Công lý đã lên tiếng dù tiếng nói ấy qua 12 năm chưa bao giờ thật sự thuyết phục.

Nếu hung thủ đó là Hồ Duy Hải nhưng phía phá án không thể kết tội Hải do thiếu sót trong điều tra thì ngành tư pháp chỉ tốn một sợi dây mang tên “kinh nghiệm”.

Còn nếu tới 10 năm nữa ngành chức năng vẫn chưa thể làm rõ hung thủ là kẻ vãng lai hay Hồ Duy Hải thì phía tòa án không cần phải lựa chọn việc đúc ai làm Tượng đài công lý ngoài Hải...

...Bởi Công lý không đứng yên. Công lý là một hành trình tìm tòi và khai mở bất tận...

Trần Tuấn


Thứ Ba, 12 tháng 5, 2020

Hồ Duy Hải, những mối lo có thực


Thanh niên Hồ Duy Hải là một người bình thường cho tới khi vụ án Bưu điện Cầu Voi xảy ra và công an lỡ làm thất lạc con dao, cái thớt cũng như loại bỏ một số lời khai ra khỏi hồ sơ.



Từ thời điểm đó, Hải khiến các cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm với hơn 20 thẩm phán trí tuệ đầy mình vào cuộc, Chủ tịch nước phải nhắc tên 2 lần, Ủy ban tư pháp của Quốc hội cất lên tiếng nói...

Một cách bất đắc dĩ, trước hôm 9-5, Hải làm nhiều vị từng tham gia quá trình tố tụng có thể bị mất ngủ.

Cu cậu cũng khiến 2 tờ báo chỉn chu về lý lịch là Công Lý và Bảo vệ Pháp luật phải nằm trên bàn cờ ở tư thế đối đầu về quan điểm giải quyết; Những cá nhân của hai chi bộ thông thạo luật pháp nhất giương ngòi bút so tài.

Các cơ quan báo chí và những thành phần dư luận khác cũng vì Hải mà trăm hoa đua nở, mỗi hoa mỗi màu, mỗi hoa mỗi mùi.

Tinh thần tự do ngôn luận hiếm khi nào mà sục sôi như thời kỳ Hải đang và sẽ tiếp tục "sống gần bằng chết" trong 4 bức tường của buồng biệt giam.

Chưa biết cuối cùng thì số phận pháp lý của Hải ra sao, song với những lý do ở trên, chàng phạm nhân thanh niên này xứng đáng là một mẫu mực cho những ai muốn dựng lên tượng đài về sự tranh cãi.

Nghe đồn, trước năm 2026 thế giới sẽ hiện thực hóa sự tưởng tượng của loài người về phát minh quay ngược thời gian, quá khứ sẽ quay về nét hơn cả những bức ảnh chụp tối tân hiện nay.  

Nếu đúng, lúc đó bia đá và bia miệng có tư cách giống nhau về quyền giáo dục. Không còn chuyện phân biệt:

Trăm năm bia đá cũng mòn
Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ

Và tới lúc ấy, một bộ phận loài người có lẽ sẽ quay sang tôn thờ chủ nghĩa lấp liếm?.

Anh Tuấn