Thứ Năm, 17 tháng 10, 2024

Thử thách Olympia

Mình có cưỡi máy tính xem một số hoa bình luận về tư cách chinh phục đỉnh Olympia vừa qua.

Tạm cảm nhận: Dù “Vinh quang đúng luật” hay “Giành giải bất chấp” thì bên nào cũng có lý lẽ vững chãi tựa Thái sơn.

Và không giống như nhiều cuộc tranh luận, thậm chí tranh cãi, gây gổ để hướng tới mục tiêu Chân lý, cuộc chia phe này có vẻ như phản ánh sự nhăm nhe soán ngôi của hiện tượng tạm gọi là “Khinh bỉ giá trị”.

Bởi, rõ ràng đã diễn ra cuộc đối thoại sinh tử giữa khao khát chiến thắng và lòng tự trọng kiến thức. Liêm sỉ trong tương tác chỉ như một bãi rác cần vượt qua để hướng tới một bãi không phải rác.

Bãi “không phải rác” ấy nếu thu nhận số thành viên chung ý chí đủ lớn, hoàng đế mang tên Ích kỷ có thể sẽ trị vì… (10-2024)

(Như một thói quen dựa dẫm, mình nhờ AI vẽ minh họa nửa nội dung trên. Rồi thì nó đây, sau ít giây):



Tuấn Trần

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2024

Giản đơn và phức tạp

 

Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách /Sắc bất ba đào dị nịch nhân.

Nghĩa là Không có võ thì thiếu năng lực khóa chân bạn nhậu/ Sắc đẹp của mỹ nhân mà đào dưới 3 lần thì đừng vỗ ngực là đàn ông.

Hồi xưa xửa xừa xưa mình tự dịch như thế, mãi lâu lắc sau này mới biết đó như  cách suy diễn ngô nghê của một dạng "me hán việt", kiểu Nhất tự vi sư/Trong chùa có một ông sư.



Nghĩa là quá trình tiến tới nhận thức (có vẻ) chuẩn khá lâu, thậm chí bất tận nếu không ngẫu nhiên được  ánh sáng đúng đắn xẹt qua đầu.

Và câu chuyện miễn học phí cho con giáo viên bế tắc trong tranh luận mạng mấy hôm gần đây có vẻ cày lại vết xe "vũ vô kiềm tỏa" ở trên khi tiếng nói mối lo tiền bạc và bất công bằng giữa các ngành nghề được đặc biệt chú ý.

Trong khi công phu làm một dự án luật không phải ít, truyền thống tôn sư không phải ngắn, 9,2 nghìn tỉ không hẳn nhiều so với đầu tư giá trị xã hội... nhưng dường như chúng ta vẫn loay hoay như "chú nhóc Tuấn Trần" phần đầu bài.

Thì giá điện chả cần phức tạp như thế, chỉ cần quả quyết cần  thiết, mất nửa giây ký đã thu về thêm hàng vạn tỉ, hiệu lực lập tức! 

Tuấn Trần

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2024

Tổn thất và Hả hê

 

Tuần này, theo tôi có ít nhất 2 câu chuyện ủng hộ việc chém vào cảm thức tôn sư trọng đạo.

 


Chuyện thứ nhất là những ồn ào liên quan nghi vấn dàn dựng cảnh học sinh bị đối xử thảm thương trong tiến trình "vực đạo". Thứ 2, phụ huynh tung vài đoạn trao đổi nội bộ lên không gian chung về việc cô giáo dằn dỗi bởi chiếc máy tính.

2 chuyện trên dễ làm sâu sắc thêm nguy cơ đương nhiên hóa câu chuyện thứ 3 - Nghĩa là xem những người thực hiện sứ mệnh "đưa đò" như những tay chở đò thuê đúng nghĩa đen, tước đoạt và dập tắt  ánh sáng của giá trị được tôn trọng hàng nghìn năm.

Đương nhiên, phản ánh nhằm góp ý hướng tới mục tiêu người làm giáo dục tốt hơn không sai. Tuy vậy, cái lý lẽ "không sai" đó có vẻ như mang sức nóng của ngọn lửa "đám đông a dua". Ngọn lửa ấy không ai chắc chắn lan sang khối thuốc nổ của tâm lý "khinh thầy" lúc nào.

Một xã hội mà tâm lý thiếu coi trọng người thầy nói riêng, người làm giáo dục nói chung, có đất sống thì xã hội ấy ít nhiều xuất hiện khả năng đối diện với những bước đi trĩu nặng.

Giữa mất mát lâu dài và hả hê tức thời, tôi không chọn đội nào.

Anh Tuấn

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2024

Rồi cũng về số 0

 Lòng anh chỉ ánh trăng mới hiểu

Em phía mặt trời đâu thể hay

Hờn trách nỗi gì cho đau đớn

Rũ lá tàn hoa mấy khoảnh lòng…

 


Em có nhớ không chuyện chúng mình

Nửa năm cháy bảy bận đinh ninh

Những lời son sắt thành mây xám

Phủ xuống đời nhau mọi bão bùng

 

Hay cứ vui đi, cứ kệ tình

Cứ vờ sơn phết thủa bình minh

Cứ tô điểm lại lời gian dối

Và đợi trăm năm để về Không?

 Anh Tuấn

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2024

Cà phê sáng

Qua 43 đã hẹp lại nụ cười

Mắt bớt sáng vì thời gian chặn lấp

Chỉ còn tai vẫn vểnh lên bất khuất

Bởi dường như ta chưa chịu thua đời.





Tháng 9 tới với ba chục ngày tồi

(Vòng vũ trụ cũng cũng chuyên quyền, thiên lệch)

Mưa đột ngột rồi nắng văng tới tấp

Nửa phận người chả dám vượt trên vôi.


Viết thì viết nhưng rón rén kiệm lời

Mặc áo đỏ khi lòng tê tái xám

Biển vẫn sâu nói chi mong bến cạn

Nên dìm trời dưới đáy cà phê thôi.

Tuấn Anh

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2024

Gay go sản phẩm Chế

Hồi SV96, trong phần thi của mình, đội sinh viên một trường đại học (28 năm rồi nên quên tên) chế Hịch tướng sĩ của Hưng đạo Đại vương thành nội dung khác hoàn toàn với tinh thần kêu gọi đánh đuổi ngoại xâm. Hình như từ khi ấy, sản phẩm chế vượt qua bậc thang “truyền miệng” để đánh dấu bước nhảy tót vào sóng truyền hình.

Đến thời hoàng kim của Gặp nhau cuối tuần, Táo Quân thì nở rộ - Chế hầu như không tha bất kỳ sản phẩm nghệ thuật nào, và đó là những biến tấu gần gũi, hóm hỉnh, dễ thương.



Chế chỉ trở nên thiếu dễ thương, hóm hỉnh, gần gũi khi nội dung khiên cưỡng, mỗi vậy thôi! Và điều đó phụ thuộc vào tài năng cùng ý định gây chú ý của tác giả sản phẩm chế.

Nay bỗng nhớ lại suy nghĩ trên, và như thường lệ, lại ngứa ngón tay gõ phím khi nghĩ Chế cảm xúc gay go hơn Chế ngôn từ gấp bội.

 

Dưới đây là một phần trong thắc mắc của mình thời điểm 2021:

Vài hôm trước, bản Rap “Nam Quốc Sơn Hà” của Erik, Phương Mỹ Chi, tôi có băn khoăn: “Được coi là Đệ nhất Tuyên ngôn độc lập, áng thiên cổ hùng văn "Nam quốc sơn hà" có nên biến tấu theo cách này?… Rap là thể loại nhạc bình dân,  vẫn có thể đưa một bài thơ thiêng liêng vào Rap, tuy nhiên, để mấy vũ công khoe tài nhảy nhót như những chú hề thì dường như đã trẻ trâu hóa toàn bộ khí thế chống ngoại xâm của dân tộc”.

Nhưng lục lọi trên Internet, không thấy báo chí hay thậm chí một tài khoản cá nhân nào chung suy nghĩ như tôi. Ngược lại, hào hứng, ca ngợi, cổ vũ thì nhiều.

Đến hôm qua thì cũng Rap, ào lên làn sóng công kích “Cô gái mở đường” do Han sara hát.

“Váy ngắn”, “Phản cảm”, “Lố lăng”, “Làm mất đi tinh thần trang nghiêm của nhạc phẩm”… là những quả bom ngôn ngữ dội vào màn trình diễn này.

Lạ thế? Hai sản phẩm âm nhạc “Nam quốc sơn hà” và “Cô gái mở đường” giống nhau về thái độ ứng xử với tác phẩm, nhí nhố, đùa giỡn với tâm thế của người sáng tác và đều là sản phẩm giải trí được nhiều người tiếp cận, thế mà 1 được khen ngợi, 1 bị phê bình?.

Hay tôi a-ma-tơ?

Anh Tuấn 

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2024

Nên tin ở hoa hồng

 Nghị quyết 35/2000 của Quốc hội có nội dung nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 (ngày có hiệu lực của Luật hôn nhân và gia đình 1986) dù không đăng ký kết hôn vẫn được công nhận là vợ chồng hợp pháp.

Luật Đất đai 2024 quy định hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà không có có giấy tờ, không vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 01/7/2014 thì được cấp sổ đỏ.

Luật Hình sự 2015 xác quyết người bị kết án tới chung thân, 5 năm sau khi trả án xong có thể xóa án tích…

 


Đó là 3 trong nhiều tính nhân văn được thể hiện trong chính sách hiện nay. Nó phản ánh sự tích cực trám lỗ hổng từ quá khứ, thừa nhận diễn tiến khách quan của thời gian và nâng niu sự phát triển từ những vết trám ấy.

Trên thực tế, bên cạnh giấy trắng mực đen của quy định còn vô số những tình huống linh động do đặc thù của sự việc. Xét đặc cách tốt nghiệp PTTH cho học sinh nhập viện bởi Xyanua là ví dụ gần đây nhất.

Ông Vương Tấn Việt vừa bị hậu duệ của những thành viên kỳ thi tốt nghiệp bổ túc THPT năm 1989 khẳng định không có tên trong kỳ thi đó. Nếu đúng, nghĩa là chiếu theo logic mang tên “quy trình”, ông ấy vì thiếu bước Cử nhân nên không thể lên Tiến sĩ.

Hai khả năng gồm Thiếu sót trong rà soát danh sách hoặc Dối trá chạy bằng bổ túc đến hiện tại đều cần đặt ra.

Tuy nhiên, điều chắc chắn là cựu học sinh bổ túc ấy hiện tại đang ở trình độ tầm Tiến sĩ. Đó phải nói là kỳ tài trong nỗ lực phấn đấu trên đường học tập nhằm tiếp cận và khuất phục tri thức chứ không nên là đề tài phủ định, chế giễu, mỉa mai và đào bới theo hướng bỉ bôi.

Cũng không nên là nạn nhân của những tiêu chuẩn máy móc.

Cá nhân mình luôn tin và mến phục mọi nỗ lực, đặc biệt là nỗ lực học tập...

Và tin 3 ví dụ như ở phần đầu đề cập đủ sức soi sáng những ông thợ khai thác hầm lò Internet.

Anh Tuấn

 

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2024

Tiểu thuyết chiều

Một chiều hè chói chang

Nhuộm mắt thành trắng dã

Một cà phê không đá

Đen kịt mùa thanh xuân




Ta lặc lè bước chân

Giẫm thời gian lún đất

Tự hỏi còn hay mất

Bóng người xưa chung chiêng?


Người xưa trong nhớ /quên

Thoảng quay về nhòa nhạt

Hôn vào niềm thương hận

Rồi nhạt nhòa quay đi...


Ký ức dầm chia ly

Phủ tím chiều thương nhớ

Và đời ta mãi thế

Tương tư như tình nhân…


Tuấn Trần

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2024

Công bằng trong trưởng thành

Đây là tấm ảnh được TTXVN xử lý trong phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC sáng nay, 22-7.



 

Việc nghi phạm, bị can, bị cáo được/bị che mờ khuôn mặt là xu hướng của báo chí nhiều nước, cho thấy luật hình sự không thể bao trùm luật khác, trong đó có luật quy định về quyền nhân thân.

Nhưng, bất cứ giá trị nào cũng chỉ có chỗ đứng trong thời gian/không gian nhất định. “Xu hướng” lại càng mong manh, bởi nó chưa bao giờ được đánh đồng với chân lý.

Làm mờ mặt nếu được hiểu là tôn trọng quyền riêng tư của cá nhân cũng đúng, mà nói cố tình phủ định sự có mặt của họ trong thế giới này cũng có lý. Giữa việc đăng chỉn chu hình ảnh với việc bôi lem nhem tới mức không nhận ra hình ảnh ấy (dù thông tin về lý lịch sáng rực hơn ban ngày) không phải là cuộc tranh luận đã ngã ngũ.  

Sau tuổi 18, ai cũng chịu trách nhiệm toàn diện với suy nghĩ và hành động bản thân. Đây vừa là sự tôn trọng của xã hội đối với họ, vừa là cẩm nang gối đầu giường để lánh xa rủi ro chường mặt lên truyền thông vì cáo buộc phạm pháp.

Còn nếu có nhầm lẫn trong tố tụng, việc được xin lỗi thậm chí còn khiến danh dự tỏa sáng hơn.

Phòng và răn đe tội phạm nên bao gồm cả đáp ứng cảm hứng thị giác cho độc giả/ khán giả theo dõi vụ án.

Anh Tuấn

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2024

Sự phi thường của đồng tiền

Nay đọc tin tức, thấy Hà Nội muốn tăng gấp đôi mức phạt vi phạm nồng độ cồn.

Về mặt ý tưởng, cá nhân mình thấy thú vị bởi nó thể hiện chủ nhân của đề xuất ấy có tư duy phản biện đáng nể khi dũng cảm xem nhẹ quy định hiện hành.

 


Tuy nhiên, về khía cạnh khả thi, nếu tiếng nói ấy được ủng hộ nghĩa là giá trị của đồng tiền vô tình được đẩy lên ngôi cao hơn. Nhiều người dễ có xu hướng sợ nộp phạt nhiều hơn lo ý thức công dân của bản thân nhạt nhòa.

Nghĩa là với họ, câu chuyện hầu bao cao hơn câu chuyện tự giác.

Mà khi nỗi ám ảnh mất tiền trở nên di căn, tới lúc ấy, nếu xuất hiện kiến nghị mỗi cặp đôi phải chịu chế tài nếu thả thính nhau quá 3 lần trong đời, có khi cũng được một số vị gật gù.

Trường hợp thời điểm đó xảy ra, công tác tuyên truyền về tác hại của lạm dụng thả thính có thể bị suy diễn thành lời răn đe đánh vào thu nhập.

Và như thường lệ, về mặt ý tưởng, cá nhân mình chắc chắn sẽ thấy thú vị.

 Tuấn Trần

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2024

Cãi vã với thế giới bên kia

Lâu lẩu lầu lâu, hồi hai không linh mấy gì đó, mình có cuộc cãi vã tóe lửa với thế giới bên kia.

Thế giới ấy bao gồm những gì đa số nhân loại đang hiểu cộng thêm mọi thứ diễn ra trong giấc mơ khi ngủ.

 Trận ấy, đứa trong mơ rất bố láo, ghé sát mặt rồi hỏi mình có tin nó là hậu duệ đời thứ 19 của… con mình không. Hỗn thế!

 


Rồi nó phán mấy đứa thờ phụng lý thuyết cụ Đác – Uyn như mình đã ngu còn nguy hiểm. Bọn người quanh đi quẩn lại chỉ biết có 7 màu sắc, chỉ nghe được âm thanh phi siêu thanh, sở hữu vẻn vẹn 5 giác quan, lặn kém cá, nhảy kém chim, dự báo thời tiết kém cóc nhái, phản xạ chuyển động thua ruồi…  nhưng cái tư duy của con ếch trong đáy giếng thì vô địch!.

Tín ngưỡng, tôn giáo do bọn người nghĩ ra hay tự thân những điều ấy phản ánh vào niềm tin của bọn người, đến nay bọn người vẫn cãi nhau với câu hỏi đó.

Luân hồi, Nhân quả, Tu nhân tích đức… là thứ tự bịa phục vụ mục đích giáo dục hay đó chính là một thứ Hiến pháp cuộc sống mà thế giới tao áp vào thế giới mày thì bọn mày vẫn còn mơ hồ.

Phát minh ký tự, làm ra động cơ, kết nối viễn thông, tạo sản phẩm A.I… có thực sản phẩm của giống người hay lũ chúng tao mặc khải tới số ít cá nhân được lựa chọn. Câu hỏi này vô số đứa bí…

Tóm lại, đó là một cuộc cãi vã một chiều. Và mình tát vào đứa con cháu đời thứ 20 vài phát nổ đom đóm rồi ung dung… tỉnh giấc. Thắng nó kiểu vậy rất sướng!.

Tuấn Trần

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2024

AI cũng thua!

Tối kỵ trong viết lách nói chung, làm báo nói riêng là chủ động làm hèn ngòi bút của bản thân bằng tự giác phục vụ những thị hiếu phi chính đáng.

Câu chuyện làm nô lệ cho view, like không phải khi xảy chuyện mới nhục. Nó nhục ngay từ lúc bạn huyễn hoặc mình là kẻ đi câu.

KOL – nghe thì khá hay ho, nhưng ranh giới mỹ từ ấy với vị trí ả đào hay anh hề trên sân khấu công chúng rất mỏng manh.

Hiện tượng sư Minh Tuệ được livestream từng nửa bước chân gần đây, cơn sóng phiếm chỉ lớp tiểu học cho thành viên của mình ra rìa vừa qua… là những cách viết lách có bóng dáng kiểu nô lệ ấy. Mình không thấy ở đó cách truyền tải mang tính xây dựng. Ngược lại, nồng nặc mùi xun xoe, ton hót những tâm hồn trọc phú say sưa chuyện giật gân.

Làm gì để giải độc những não trạng hăm hở sứ mệnh tự phong là trung tâm của công chúng? Câu hỏi không phải không có câu trả lời...

Tuy nhiên, đáp án đó luôn có nguy cơ lập tức bẹp dí dưới bánh của chiếc thiết giáp mang tên mê sảng. Mà sức tàn phá của mê sảng dữ dội hơn ảo tưởng gấp bội.

Hồi lâu lẩu lầu lâu, trốn mẹ ra rạp 3-2 ở Vị Hoàng nhờ người lạ dắt vào xem kịch nói Bệnh Sĩ của Lưu Quang Vũ. Bé tí tẹo nên chẳng hiểu nội dung, nhưng vẫn ấn tượng những lời thoại đầy khoa trương, che giấu sự thật hoặc đẩy sự thật về hướng tiêu cực.

Mình dán mấy dòng lan man trên vào copilot với câu lệnh “Hãy vẽ hình minh họa trên cơ sở những nội dung sau đây” – Nửa phút kế tiếp, nó trả lại kết quả khá ngây ngô.



Kết luận: Bọn trí tuệ nhân tạo còn khuya mới hình dung ra được dáng dấp con người!.

Tuấn Trần

 

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2024

Vạ miệng

Trong Tam quốc diễn nghĩa, Dương Tu rất giỏi đoán ý Tào Tháo qua phân tích chữ nghĩa của đệ nhất gian hùng. Tay Hán quan kiêu ngạo khả năng chiết tự này cuối cùng bị chém vì nhảy múa với khẩu lệnh Kê cân.

Quan Vũ, cũng ở tác phẩm của La Quán Trung, do vỗ ngực ví con gái mình như hổ, hoàng tử của lãnh chúa Giang Đông Tôn Quyền là chó, lợn mà rồi bị chính ứng viên thông gia tiễn về chín suối.



Nhưng cũng tiểu thuyết Trung Quốc, Bật mã ôn Tôn Ngộ Không dù tự sướng với dỏm danh Tề Thiên Đại Thánh nhưng nhiều lần bị Trần Huyền Trang hành cho lên bờ xuống ruộng vẫn cung cúc tôn thờ tiếng “sư phụ”.

Nên, con khỉ dù “tôn giáo không” nhưng vì lời hứa sang Tây Thiên cùng cảm phục ông sư nhà Đường này cuối cùng cũng được chính danh Đại chiến thắng Phật.

Còn truyện dân gian Việt Nam, Trạng Quỳnh dù nôn nao cơ thể mỹ nữ Đoàn Thị Điểm, nhưng bởi bí đối “da trắng vỗ bì bạch” mà kiềm chế được con thú tà dâm. Sau đó, ông trạng này tiếp tục quấy rối bà chúa qua cách nói lái “đá bèo”, ăn miếng trả miếng vụ rau tưới nước đái với chúa nên rồi thì cũng tèo.

Nên, ngôn ngữ vừa bình dân vừa xa xỉ. Nói thế nào để không lên gân với chính cuộc đời mình mới là cách nói quý tộc nhất.

            Mấy nay, nghe mấy đấng ngoại đạo bình về những ứng xử của những người hành đạo cũng vui. 

Trần Tuấn

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2024

CẬN KHUYA...

Như giọt máu tươi

Mặt trời khạc vào hoàng hôn lời hấp hối

Nhiệm kỳ hăm bốn giờ đang đổi

Phố thị sắp tắm trong đêm




Cuộc đời vô số sự đương nhiên

Nhưng bất ngờ chưa khi nào thiếu

Nếu ngày mai dế, giun nằm chiếu

Người ở hang cũng chẳng lạ lùng


Ta bán đi khao khát vẫy vùng

Đầu cơ những niềm ấm cúng

Thương vụ dường như không trúng!

Bởi tâm hồn hằn vết thủng phong sương…





Đứng trước hoàng hôn

Lặng nhìn xe cộ…

Giật mình đèn đêm

Chiếu lòa mắt đỏ…


Lại muốn nhổ vào khuya…

Để bất ngờ đốt đương nhiên ra gió. 

ANH TUẤN

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2024

Không láo toét... nhưng láo gọn

Mình vừa mon men kiến thức về AI. Phàm đứa lính mới bao giờ cũng choáng ngợp trước núi cao hay biển rộng.

Và sự sợ sệt là có thật khi thông tin trong ngày 1 chuyên gia tài chính  bị rút nửa tỉ từ chiếc điện thoại xa lạ, 1 tổng công ty năng lượng chóng mặt do hacker khuấy  đảo, 1 phó chủ tịch huyện không rõ bay hơn trăm nghìn triệu cách nào...

Lỡ mà AI thay đổi các dữ liệu lịch sử trên toàn bộ internet, nhuộm màu gian trá nguồn gốc nó được sinh ra, viết lại các bản án, đảo vị trí con nợ/chủ nợ ... thì sự nhồi sọ của chúng dần dần sẽ kinh khủng hơn Cô lông tìm ra Châu Mỹ.

Hãy xem nó cải biến hình ảnh thân xác và khuôn mặt mình chỉ trong chưa đầy nửa cái giật mình...



Phạm thượng đến vậy thì còn điều gì bè lũ này không dám nữa!

Tuấn Trần

Thứ Năm, 7 tháng 3, 2024

An Dương Vương và ngày 8 tháng 3

 

Người làm cha khi vung dao hạ sát con gái thì với bất cứ lý do gì đều không thể chấp nhận. Bên cạnh việc phi luân, ác nhân đó còn đối diện với án tử hình.

Nhưng nếu đó là trường hợp của An Dương Vương thì không gian diễn ra hành động của ông vua thất bại không có chỗ cho Nho giáo cũng như các giá trị về luật pháp  trú chân.

 


Giống như cô Tấm chế biến thịt chị, ông trời thay Thạch Sanh “hành đạo” với mẹ con Lý Thông, Trạng Quỳnh dùng thủ pháp nói lái quấy rối tình dục nữ chúa… không gian ấy là không gian của trí tưởng tượng, được khai sinh, phát triển bởi ông bà dân đen nào đó nắm bắt trend của bá tánh thời họ sống.

Nói vậy để thấy chuẩn mực đích thực của ếch phải đặt trong đáy giếng, lý tưởng của hổ nằm chốn rừng già, ánh sáng giống nòi của bọ ngựa là một mất một còn khi giao hoan…

Nghĩa rằng phải đặt trong bối cảnh cụ thể mới có thể đối chiếu những quy ước tương xứng. Đi lệch hệ quy chiếu chắc chắn lãnh hậu quả phiêu lưu trong thế giới tranh cãi.

Khi dạy trẻ, chúng ta tuân thủ quy tắc rèn dũa Hiếu, Kính, Lễ… của triết gia phương Đông, khi trẻ no đòn thì chúng ta phán xét dưới góc độ bạo hành theo quan điểm phương Tây.

Trước việc hiền thê bật lại chồng, chúng tay ngây ngất với quyền bình đẳng nhưng không quên gắn lên trán người trai nhẫn nhịn một chữ “hèn”…

Đó là 2 trong vô vàn ví dụ về sự mâu thuẫn được đại tu thành “linh hoạt” trong áp dụng lý thuyết về sự ích kỷ.

Mâu thuẫn ấy thật biện chứng vì khẳng định những quy ước có thể thay đổi nếu thủ lĩnh của thời đại hay tình huống nào đó muốn.  Ví như ý nghĩa ngày 8-3 từ lúc được đẻ ra tới nay chẳng hạn….

Nhưng đương nhiên, mình không muốn hiểu ngày 8-3 như mọi nam giới sống ở những năm đầu thế kỷ 20.

Tuấn Trần

Thứ Tư, 14 tháng 2, 2024

Căn cước


Căn cước, Công dân hay Căn cước công dân đều xuất phát từ tiếng Hán. Hán là một trong vô số sắc tộc của Trung Quốc, bao gồm cả người Mãn Thanh.

 


Thế hệ bọn tôi được dạy rằng dùng tiếng Hán hay Hán Việt là thể hiện sự trân trọng ngữ cảnh, như Phụ huynh, Nhất tự vi sư bán tự vi sư, Vạn tuế…

Nhưng thật ra đó là tôn trọng ý kiến các cụ thôi chứ dùng từ Ông bà già, Con vợ tao, Thằng chống gậy… nghe vẫn gần gũi hơn Phụ mẫu, Hiền thê, Trưởng nam hay Ấu tử…

Cái giấy để phân biệt tôi và bạn đến nay đã n lần thay tên, nó không đổi bản chất nhưng có sự xáo động về tiền bạc. Mà theo quy luật kinh tế, hễ tiêu dùng nhiều thì dòng tiền lưu thông, như vậy, khá tốt cho xã hội.

Và đến một lúc nào đó, khi chúng ta cạn nguồn vốn Hán Việt thì đừng lo. Vì vẫn theo quy luật kinh tế, một cuộc cách mạng thuần ngôn ngữ Việt sẽ được tính toán thời điểm để kích hoạt.

Mình giơ tay trước, cái tên giấy ấy ngắn gọn mà kiêu hãnh: Tôi đây!

Trần Tuấn

Thứ Năm, 1 tháng 2, 2024

Tớ cũng đẽo cày giữa đường

Ghép vài bộ phận những con vật thân thuộc với nhà nông, các cụ chúng ta tạo ra rồng.

Với sừng trâu, mõm bò, nanh chó, mũi trê, mình lươn, vảy cá, chân gà, bờm chim chào mào cộng với chuyển động ngoằn ngoèo của tia chớp … rồng hình như ra đời từ những sắp xếp đầy nghệ thuật đó. Và nó có sự trưởng thành về hình dáng qua các triều đại Lý, Trần, nay…



Cũng có thể rồng được tái hiện từ ký ức của bậc siêu phàm về thế giới lùi rất xa so với tưởng tượng của ông Đác-Uyn. Nếu vậy, cả hai giống phun lửa ở châu Âu và phun nước ở Châu Á có thật.

Nhưng thật hay giả thì qua việc biến đổi về bộ dạng, chứng tỏ hình rồng vẫn là một trong nhiều sản phẩm nô lệ cho trí tưởng tượng. 

Ai muốn vặt bớt râu, vẽ thêm móng đều được, miễn là chịu thần phục vài lối mòn cơ bản trong tạo hình để không bị nhiều người chửi.

 



Hãy cứ nhìn linh vật rồng ở Đắc Lắc năm nay, sau khi tắm trong sóng mạng, đã bị bẻ cổ 180 độ, thì có vẻ hơi hơi rõ. 

Trần Tuấn