Nếu
Chử Đồng Tử không nghèo tới nỗi thiếu mảnh khố để che thân thì có thành phò mã?
Có lẽ khó, bởi khi ấy chàng trai nghèo sẽ không vì sĩ diện mà giấu thân thể dưới
cát, và Tiên Dung công chúa sẽ chẳng vì thương cảnh nghèo hèn mà tự cưỡng bức
giá trị tình yêu của chính mình.
Tôi
nghĩ tới ý trên sau khi lan man liên tưởng tới các khuyến cáo của Bảo hiểm xã hội
Việt Nam tới người rút bảo hiểm 1 lần.
Thống
kê của cơ quan này, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, trên 200 nghìn người nộp hồ
sơ nhận trợ cấp một lần. Trong đó, riêng TP HCM có hơn 37.000 người nộp hồ sơ,
tăng khoảng 19% so với cùng kỳ.
Lao
động chọn rút bảo hiểm một lần nhiều nhất
ở TP Thủ Đức, quận 12, Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh (nơi trú đóng nhiều
công ty, nhà máy) ... khiến đơn vị bảo hiểm ở những nơi đây chịu gánh nặng
không nhỏ.
Vì
điều ấy, Bảo hiểm xã hội liên tục đưa khuyến cáo người lao động hãy vì lợi ích
lâu dài mà cân nhắc việc lấy tiền một cục.
Nhưng,
cách để người lao động có tiền sinh sống sau thời gian gồng mình trước đại dịch
thì phía bảo hiểm không bày, hoặc bày theo cách an ủi, hô khẩu hiệu: Chịu khó,
cố gắng, vì cuộc sống không phụ thuộc con cái, abcz…
Sống
bằng niềm tin rằng tương lai có sổ hưu trí đã khó, sống bằng kiếp không tiền ở
hiện tại lại càng khó. Cứ nhớ lại câu chuyện trăm ngàn người lũ lượt hồi hương
cùng chó, mèo và lỉnh kỉnh nồi niêu, gương lược… thì biết sự túng quẫn của các
lao động từng sống trong vùng tâm dịch là thế nào.
Câu
hỏi đặt ra là Bảo hiểm xã hội đã làm tròn trách nhiệm của một thành tố trong hệ
thống an sinh? Đã vừa đảm bảo quyền lợi cho người lao động lại vừa đảm bảo việc
tái tạo tinh thần cũng như đời sống vật chất của họ?
Có
lẽ chưa, vì chủ yếu cơ quan này chỉ thu tiền người lao động và trả tiền người
hưu trí.
Nên
chăng, thay vì để những người túng quẫn rút bảo hiểm một lần rồi cắt xoẹt sự
ràng buộc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có chính sách (hoặc đề xuất cấp cao hơn có
chính sách) cho người lao động tạm ứng số tiền đó. Khi nào có điều kiện, họ sẽ
hoàn lại để tiếp tục có sự yên tâm được nhà nước quan tâm lúc về già.
Như
vậy, về mặt nào đó, cơ quan bảo hiểm giống như một ngân hàng cho người túng quẫn,
nhưng là một ngân hàng nhân ái. Và
như vậy, vừa cho người lao động con cá lại vừa tặng họ chiếc cần câu.
Quay
trở lại câu chuyện Chử Đồng Tử. Nếu thay vì kết duyên cùng công chúa bởi lý do
“không có gì”, chàng trai nghèo sau khi được tạo điều kiện vươn lên từ gian khó
đã chứng minh mình đủ tầm của một phò mã… thì có lẽ câu chuyện cổ tích hợp
logic và ý nghĩa hơn.
Chàng
phò mã ấy, ban đầu hãy cứ được tạm ứng ít nhất là chiếc khố đã.
Tuấn Trần