Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

THÔN HOÀNH KHÔNG PHẢI LÀ VÙNG TỰ TRỊ

Tôi  không biết chữ “thôn Hoành”, diễn theo nghĩa Hán Việt là thôn ngang ngạnh (Tung -  Hoành) và “xã Đồng Tâm” có nằm trong lối suy diễn kiểu phong thủy quạt mo hay không. Nhưng nếu đồng ý rằng “cái tên vận vào cái mệnh” thì đây có lẽ là một sự suy diễn sai hoàn cảnh.

Trong tình huống  đối diện với ngoại xâm, phẩm chất đồng tâm hiệp lực và ngang bướng không chịu khuất phục của một địa phương có thể ghi dấu son trong trang sử dân tộc, thì trong thời bình, điều đó không được coi trọng lắm.



Sự không coi trọng có thể đến từ phía những người bảo thủ, có thể đến từ truyền thông, cũng có thể đến từ giai cấp cai trị.  Và đâu đó tôi đã nghe thấy hai từ “thảo khấu” trong cách gọi nhân dân của một làng trong huyện Mỹ Đức: Làng Hoành hay Thôn Hoành.

Phải rồi, họ đã lựa chọn cách hành xử của Lương Sơn Bạc để đối phó với chính quyền “của dân, do dân, vì dân” khi khống chế 38 nhân viên công lực.

Việc khống chế này là nhằm đòi hỏi nhà nước phải tính toán lại phạm vi “bờ xôi, ruộng mật” cho họ. “Đất để xây dựng sân bay hoặc căn cứ quốc phòng? Ô kê! Nhưng đất để nhường cho một doanh nghiệp viễn thông kinh doanh? thì Nhét! (Hem, từ tiếng Nga).  Lý lẽ của họ có lẽ là vậy.



Họ rào đường trong thôn, họ đặt chướng ngại vật trên các lối đi, họ dùng kẻng để hiệu triệu thành viên, họ thực hiện nội bất xuất ngoại bất nhập… Nói chung, họ khẳng định Phép vua thua lệ làng – vốn là một quy luật của văn hóa Việt Nam.

Và so với các chuẩn mực pháp quyền hiện nay, tôi cho rằng họ hành xử chưa đúng. Nhưng cách ứng xử của chính quyền Hà Nội, với những thông tin đến cuối ngày, tôi cũng cho rằng không khéo lắm.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân hôm 19-4 đã nêu chính kiến, đại ý rằng Chính quyền Thủ đô nên đối thoại với thôn Hoành, nếu thua dân cũng là cái thua xứng đáng, chứng tỏ phẩm chất của  bậc Đại trượng phu. Một ngày sau, Chủ tịch Hà Nội đích thân bày tỏ thiện chí nói chuyện phải trái với dân làng Hoành.

Một người đứng đầu thành phố, một nguyên Giám đốc công an thành phố đã xuống dân. Ngòi nổ bức xúc đang sẵn sàng chờ đợi chiếc chìa khóa hóa giải.

Nhưng ông chỉ ngồi xe xuống trụ sở huyện và mời người dân lên nói chuyện. Đây là lý do khiến đến 19 giờ tối 20-4 không có một bóng người dân nào xuất hiện trong cái hội trường rộng lớn.

Họ mong muốn ông xuống tận nơi, như cách Thủ tướng thoải mái dạo chợ và ăn phở trước đông đảo tiểu thương ấy, có điều, ông chỉ dừng lại ở sân cơ quan huyện Mỹ Đức rồi chờ họ đến. Thế là khoảng cách giữa quan và dân không được triệt để san lấp!.



Tôi đồ rằng khoảng cách ấy thậm chí còn bị nới ra xa hơn, do vô hình trung hoặc thiếu cẩn trọng, Thành phố Hà Nội đã gửi một thông thông điệp không chính thức rằng thôn Hoành là một dạng địa phương tự trị.

Bởi, theo tôi hiểu, chỉ hai thế lực đối lập mới tổ chức hẹn nhau nói chuyện ở một địa điểm trung gian.

Cho nên, cần lắm những bước chân không giày dép bóng mượt, không quần áo lượt là, không rầm rộ những nhân viên an ninh đằng sau… đi thoải mái trên những dệ cỏ thôn Hoành.

Anh Tuấn







1 nhận xét:

pp nói...

và rất mừng ông Chủ tịch Thành phố đã biết lắng nghe, đã thay đổi ngay phong cách làm việc, đã gần dân để thấu hiểu mọi điều

Đăng nhận xét