Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

TỔ HÙNG VƯƠNG ƠI!


TỔ HÙNG VƯƠNG ƠI!
 NGƯỜI CÒN BAO NHIÊU CON CHÁU?

Dù “Đất nước” gồm cả những thang đo định lượng như Lãnh thổ, Lãnh Hải, núi non,...  Còn “Dân tộc” thường đặt vấn đề về Truyền thống, Bản sắc,..v...v....  Tuy nhiên, nói “Yêu nước” mà không đồng nhất với “Yêu dân tộc” thì anh thành người mất gốc! Hộ chiếu của anh chỉ là Hộ chiếu rởm!



1.     Lịch sử hào hùng
Vài nghìn năm trước, Tổ Hùng Vương lập cõi, gây dựng giống nòi, định hình và phát triển lên một nhà nước của dân tộc Việt Nam ngày nay.
Trải bao thăng trầm lịch sử, con cháu Người với tiềm chất của Rồng Tiên luôn vững vàng trước  sóng gió, đè chân lên khó khăn và vươn tay dũng mãnh nắm giữ ngọn cờ tự chủ trước kế độc mưu thâm của những loài ba ba, thuồng luồng. Những dã thú này thích nhăm nhe giơ nanh thò vuốt đòi nuốt sống nước Việt bằng những thủ đoạn từ Văn hóa, Kinh tế cho tới Quân sự
Tinh thần dân tộc của người Việt đã khiến cho cả nghìn năm âm mưu đồng hóa của lũ sài lang trở nên công cốc, thậm chí còn khiến chúng tự tay khắc lên khuôn mặt vốn đã hắc ám của mình những vết thương đầy dơ bẩn, ê chề nhục nhã.
Nước nhà từng có lúc trở nên hùng cường. Các triều đại huy hoàng Đinh, Lý, Trần, Lê,.. đã tô thắm trang sử vẻ vang bằng võ công anh hùng, bằng máu và bằng tinh thần tự tôn dân tộc cao ngất trời
Đã có những tuyên ngôn tràn khí tiết “... Ta muốn đạp cơn gió mạnh, cưỡi luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Nam Hán..”.
 Đã có những tiếng thét bi hùng “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc” .
 Đã có những tinh thần khẳng khái “Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu tôi đi!”.
 Đã có những ý chí mãnh liệt “Đánh cho để tóc dài, đánh cho để răng đen... Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ!”. ...
          Đã có rất nhiều những tấm gương giữ nước, rất nhiều những biểu tượng nâng niu hồn dân tộc.... Phẩm chất ấy luôn mạnh mẽ và xuyên suốt các thế hệ kể từ khi Tổ Hùng Vương dựng nước


2.     Nguy cơ
Hồ Chủ tịch từng dặn “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Lời này đặt trong thời đại hôm nay nghe có vẻ như lý luận không phù hợp lắm với thực tiễn.
Chẳng biết từ khi nào, có vẻ như lũ Lê Chiêu Thống bỗng đội mồ ngoi ngóp sống trở lại. Chúng tự xem Việt Nam giống như một cái chuồng gà của Trung Quốc.
Cái chuồng ấy nó muốn đan rộng bao nhiêu thì đan, thu vừa, co nhỏ thế nào cũng tùy. Và cái phận gà cùng lắm chỉ rướn cổ quang quác lên vài tiếng, rồi thì cũng phải dồn cả vào với nhau.
Dân số thì mỗi ngày mỗi to, tài nguyên thì mỗi giờ mỗi nhỏ. Cái quan trọng nhất là ngọn lửa thiêng mang tên “Dân tộc” lại chẳng biết tù mù, le lói ở chỗ nào.
(Ngọn lửa ấy khi ẩn khi hiện bởi có phần nhiều đóng góp của các anh nhà giáo. Mà ngay trong đội quân “những người lái đò” ấy, có một bộ phận không nhỏ những chàng, nàng phản quốc.
Tôi coi giáo viên làm gương xấu đồng nghĩa với việc giết chết cả một thế hệ. Thế thì đâu chỉ mỗi đất Hà Giang mới có một hiệu trưởng Nguyễn Trường Tô?)
Xã hội văn minh, loài người cũng tiến bộ. Khái niệm “Đầu hàng giặc” thời Phong kiến bây giờ đôi khi man trá đội lốt những ngôn từ ru ngủ.
 Không biết có đúng hay không nhưng trong chuyện “Giữ lấy nước”,  giới truyền thông gần đây có vẻ như lạm phát những “Yêu cầu”, “Mềm dẻo”, “Hết sức kiềm chế”, “Tôn trọng lẫn nhau”, “Đấu tranh hòa bình”,...
Mạnh hơn tí nữa là “Kiên quyết” với “Quyết tâm”... Mà chẳng đếm nổi quyết tâm tới lần thứ bao nhiêu rồi.?
Và vì xã hội văn minh nên cái cách xâm lược của giặc ngoài cũng thay đổi ít nhiều. Trước đây thì phang nhau trên chiến trường, khi thắng trận thì dìm nhau trong nền văn hóa nhằm đồng hóa. Giờ đây thì ve vãn thay cho đấm đá. Bá cổ choàng vai, tay bắt mặt mừng mà gửi tới nhau những con vi trùng thổ tả.
          Mức độ lấn của loại này còn độc hơn cỏ dại. Khi nó đã tròng vào cổ dăm ba thứ “tốt” với một đống dây xích có chữ “vàng” thì cứ tha hồ mà sống chung với ung thư. Họa lâu lâu có ho he ấm ức thì cũng chỉ “Cục cục” trong cổ họng như vịt bị nhồi vậy.
Cay thì không cay nhưng cú!.
 Tức thì không tức mà bực!

3.     Nội giặc và ngoại tặc
Được một ngày nghỉ lễ, buổi sáng ra quán nước vỉa hè cùng ông bạn. Nhâm nhi ly cà phê đắng, đọc một bài báo đưa tin vui rằng Nhà nước đang đề nghị lễ hội Đền Hùng trở thành Di sản văn hóa thế giới, nói chuyện ôn lại truyền thống cha ông và nhớ tới lời nói của cụ Chủ tịch nước căn dặn các cháu thiếu nhi. Tôi hỏi bạn là làm thế nào để “cùng nhau giữ lấy nước”?.
Trả lời “Thì phải yêu nước trước đã!”.
Tôi lại hỏi “Yêu nước là như thế nào?”...
Hắn nhếch mép lôi ra một lô xích xông loảng xoảng những câu khẩu hiệu rền vang, bóng loáng:
 Yêu nước là yêu XHCN! Là làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh! Là nộp thuế! Là cống hiến cho xã hội! Là bảo vệ cảnh quang môi trường! Dọn dẹp đường thông hè thoáng! Là cầm súng giữ gìn biên cương! Là....
Nhiều lắm! Tôi nghe ù hết tai mà mãi không thấy bạn tôi gợi trúng trái tim mình đành cắt lời:
-         Yêu nước là yêu dân tộc! Trước tiên phải có tình yêu dân tộc đã.!
Nghe có vẻ chung chung nhưng chắc không sai. Phải rồi! Nếu không có tình yêu dân tộc, lòng tự hào nòi giống, hãnh diện truyền thống vẻ vang của ông cha và trân trọng những giá trị tổ tiên để lại. Nếu không có những tình cảm như thế trước tiên, thì không thể gọi là yêu nước!
Khi đã yêu dân tộc, nghĩa là đừng khi nào có ý định làm suy thoái nòi giống. Cổ vũ cho hiện tượng hối lộ, chạy quyền chức,... có khác nào sắm thêm binh khí cho con ma bán giang sơn?
Nghĩa là kẻ nào đó xúc phạm đến quyền lợi dù chỉ một người anh em có quốc tịch trên vùng lãnh thổ hình “tia chớp” này mà ta không làm gì tức là ta đang bị Tổ Hùng Vương loại ra khỏi dòng giống Tiên Rồng rồi! Còn đâu Nước nữa mà yêu!

Lần này hắn cũng lại im lặng, đứng dậy trả tiền. Ai về nhà nấy

Trần Anh Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét