Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

NGÀY THỨ BẢY LẨN THẨN…



Hôm 15-7, Tiến quân ca chính thức được quốc hữu hoá bằng sự kiện gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng ca khúc này cho nhà nước.

Vậy là sau 70 năm, tới thời điểm trên, nhạc phẩm mà nhiều thế hệ thuộc nằm lòng đã lột xác một cách trọn vẹn từ “ngành ca” lên “quốc ca”.

Cuộc “vượt vũ môn” từ ca khúc phải trả bản quyền sang bài hát của cả dân tộc dẫu không gian truân và đầy đau đớn (do vài thập niên nay, ai cũng mặc định là hành khúc thiêng liêng) thì nó cũng giải quyết được chút gợn gợn trong lòng mỗi người khi yên tâm đặt tay lên ngực trái để thổn thức với “Đoàn quân Việt Nam đi” mà không sợ phải trả phí.

Và dù về mặt ý nghĩa ca từ, mình thích tầm vóc của “Nối vòng tay lớn” hơn “Tiến quân ca”, nhưng về tính biểu tượng thì “Quốc ca” đã ăn vào trái tim mình từ 1/3 thế kỷ. Cho nên, sự xúc động khi hình dung bước tiến của các anh bộ đội bao giờ cũng hơn đứt cái đoàn kết trừu tượng từ Bắc vô Nam.


Giờ nói chuyện tên quốc gia! 

Ít ra cũng từ thời nhà Lý, nước mình đã có tên là nước Nam với minh chứng là bản Tuyên ngôn độc lập (được cho là) lần thứ nhất: Nam quốc sơn hà Nam đế cư – Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư. Sau đó thì tên nước thành Đại Việt với Tuyên ngôn (được cho là) lần thứ hai: Như Đại Việt ta từ trước – Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

Tới đệ tam tuyên bố, Hồ Chủ tịch thay mặt Quốc dân đồng bào khẳng định bản đồ thế giới phải có chữ Việt Nam: Nước Việt Nam có quyền hưởng Tự do và Độc lập, và sự thật đã thành một nước Tự do, Độc lập.

Cứ như Bách khoa toàn thư mở (wikipedia), tên nước ở trên là sự kế thừa tiền nhân. Sau đây là đoạn trích từ trang mạng này:

“… Quốc hiệu Việt Nam (
越南) chính thức xuất hiện vào thời nhà Nguyễn. Vua Gia Long đã đề nghị nhà Thanh công nhận quốc hiệu Nam Việt, với lý lẽ rằng "Nam" có ý nghĩa "An Nam" còn "Việt" có ý nghĩa "Việt Thường". Tuy nhiên tên Nam Việt trùng với quốc hiệu của quốc gia cổ Nam Việt thời nhà Triệu, gồm cảQuảng Đông và Quảng Tây của Trung Hoa lúc bấy giờ. Nhà Thanh yêu cầu nhà Nguyễn đổi ngược lại thành Việt Nam để tránh nhầm lẫn, và chính thức tuyên phong tên này năm 1804.
Tuy nhiên, tên gọi Việt Nam có thể đã xuất hiện sớm hơn. Ngay từ cuối thế kỷ 14, đã có một bộ sách nhan đề Việt Nam thế chí (nay không còn) do Hàn lâm viện học sĩ Hồ Tông Thốc biên soạn. Cuốn Dư địa chí viết đầu thế kỷ 15 của Nguyễn Trãi (1380-1442) nhiều lần nhắc đến hai chữ "Việt Nam". Điều này còn được đề cập rő ràng trong những tác phẩm của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), ngay trang mở đầu tập Trình tiên sinh quốc ngữ đã có câu: "Việt Nam khởi tổ xây nền". Người ta cũng tìm thấy hai chữ "Việt Nam" trên một số tấm bia khắc từ thế kỷ 16-17 như bia chùa Bảo Lâm (1558) ở Hải Dương, bia chùa Cam Lộ (1590) ở Hà Nội, bia chùa Phúc Thánh (1664) ở Bắc Ninh... Đặc biệt bia Thủy Môn Đình (1670) ở biên giới Lạng Sơn có câu đầu: "Việt Nam hầu thiệt, trấn Bắc ải quan" (đây là cửa ngő yết hầu của nước Việt Nam và là tiền đồn trấn giữ phương Bắc). Về ý nghĩa, phần lớn các giả thuyết đều cho rằng từ "Việt Nam" kiến tạo bởi hai yếu tố: chủng tộc và địa lý (người Việt ở phương Nam).…”

“Trung quốc” là cách gọi tắt của “Cộng hoà nhân dân Trung Hoa”. Trong môn Lịch sử văn minh thế giới tớ học, thầy nói nó phản ánh cách định vị của sắc tộc Hoa (một trong nhiều sắc tộc tồn tại ở Trung quốc) - nghĩa rằng sắc tộc giữ vị trí trung tâm của quốc gia đó, của khu vực đó hoặc rộng lớn hơn…

Nhưng, tớ nghĩ nó chẳng liên quan lắm tới tên “Việt Nam”, vì Việt Nam là quốc gia có chủ quyền rõ ràng, chả nằm trong hệ thống những tên gọi mà chị láng giềng kia ưa thích, kiểu như Tây Tạng, Đài Bắc, Biển Hoa Đông…




Chuyện thứ ba là thời sự gia đình! 

Số là em xã của tớ hỏi con gái tớ “Buổi chiều con thích được bố, mẹ, hay chú đón từ nhà trẻ về?”.

Nó trả lời ngay “Con thích bố đón!”, hỏi tại sao, gái đáp không do dự “Vì bố đón sớm hơn mẹ và chú”.

Hoá ra, gái bất cần tư duy xem ở nhà ai là người yêu và chiều nó nhất. Nó chỉ cần thoả mãn cái sự sung sướng của con nít là hàng ngày được “giải cứu” nhanh chóng khỏi cái nơi góp phần dạy dỗ nó nên người.

Đúng là thứ trẻ con!

Anh Tuấn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét