Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

Chọn vua Lý Thái Tông hay chọn ai?


 “Khi trở thành Hoàng đế, ông thân oan, đặt luật, trị quốc thân dân, đưa đất nước bước vào thời kỳ hoàng kim, thái bình, thịnh trị và trở thành tấm gương bảo vệ công lý tiêu biểu nhất trong thời đại quân chủ Việt Nam.

Vua Lý Thái Tông đã Ban hành bộ “Hình thư” - Bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, khai mở nền pháp luật thân dân Đại Việt. Xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, thiết lập và thi hành chế độ xét xử theo pháp luật, đưa hoạt động xét xử trong cả nước vào khuôn phép, sòng phẳng, rõ ràng; góp phần đưa xã hội phát triển ổn định, công bằng và văn minh.

Ông cũng trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ của vị Hoàng đế rất mực thương yêu dân. Ông cho đúc chuông lớn đặt ngay trước cửa chính điện Thiên An để người dân trong nước nếu có oan ức, thì đến đánh chuông bày tỏ nỗi oan lên Hoàng đế để được thấu xét”.



Trên đây là đoạn thuyết minh của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao về lý do chọn vua Lý Thái Tông là biểu tượng của Công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam. Đoạn thuyết minh này được Báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn lại, theo đó, việc chọn đã chốt, nhiệm vụ tới đây của các quan chức tòa án là lựa chọn mẫu tượng vua để đặt tại các sân tòa.

Cái việc tôn vinh sự thượng tôn pháp luật (Công lý) tôi tưởng phải Hiến pháp hay một kỳ họp Quốc hội nào đó quyết thì hóa ra lại được trao cho một ngành.

Như vậy, tinh thần, đạo đức của Lê Thái Tông chính là tinh thần, đạo đức của riêng ngành Tòa án?. Các ngành Công an, Viện Kiểm sát… sẽ có những tượng đài khác nếu muốn?

Thứ hai, dù Việt Nam từng có tiền lệ khi đặt Trần Quốc Tuấn là thánh tổ Hải Quân, Chu Văn An là thầy giáo muôn đời, mẫu mực ngành y là Hải Thượng Lãn Ông… nhưng việc đưa một nhân vật cụ thể lên tầm giá trị phổ quát của nhân loại như Lý Thái Tông (Công lý) thì e sự tưởng tượng đã vượt giới hạn.

Thế giới có tượng đài thần Tự do, thần Tình yêu… và đó là những “vị thần”, những biểu tượng để loài người tôn vinh, ước mơ, phấn đấu để các giá trị tự do, tình yêu…. phát triển, lan tỏa. Còn những con người có thật thì không nên được chọn làm một tiêu chuẩn, bởi “tiêu chuẩn” phải được dự tính trường tồn hàng trăm hàng ngàn năm sau.

Lý Thái Tông sống ở hình thái kinh tế xã hội Phong kiến. Ông vua ấy dẫu có những đóng góp về luật pháp như ngành tòa án hiện nay tôn vinh thì ông ấy dù gì cũng là một người đặt nền móng luật lệ cai trị chưa mẫu mực. Lý do là đến đời vua con, vua cháu, vua chắt thì cái nền móng ấy hỏng, phải nhường lại cho thời đại nhà Trần và những triều đình tiếp theo.

Nên, nếu có cuộc tuyển chọn biểu tượng công lý lại, tôi nghĩ tôi và những bạn sống ở ngày hôm nay đủ tiêu chuẩn làm ứng viên hơn vua Lý.

Bởi, ít nhất tôi và các bạn được sinh ra, lớn lên, học tập, tu dưỡng, tư duy trong môi trường Xã hội Chủ nghĩa.

Trần Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét