Thứ Tư, 27 tháng 5, 2020

‘Chạy thiến’?


Xâm hại tình dục, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, là một hành vi mà nếu để người dân xử lý thì hung thủ chỉ còn nước dựa cột mới xứng đáng.



Và, báo cáo giám sát của Quốc hội kỳ họp này chỉ ra rằng chỉ một năm rưỡi đã có trên 8.400 vụ trẻ em bị xâm hại.  Như vậy, trên thực tế con số những kẻ dâm đãng lệch lạc có thể lên tới hàng chục  nghìn trong khoảng thời gian đó.

Thật rất đáng phẫn nộ!.

Tuy nhiên, từ cảm xúc xã hội tới hiện thực hóa sự trừng phạt qua luật luôn là một khoảng cách không gần. Quyền được sử dụng năng lực tình dục chính là thứ quyền lấp ló xuất hiện dưới lớp áo mỹ miều mang tên Hiến Pháp, bằng những tên gọi khác – “Mọi công dân có quyền abcd…”.

Nếu thiến, còn gọi là hoạn, hoặc làm tê liệt sự ham muốn… theo ý tưởng của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương tức là tước đoạt triệt để và thủ tiêu vĩnh viễn một trong “tứ khoái” của cá nhân.

Trong khi những người phạm các tội danh khác, sau thời gian cải tạo tốt, họ có cơ hội quay lại xã hội với một cơ thể và máu dê nguyên vẹn, thì hà cớ gì bắt những tội phạm xâm hại tình dục phải mang cái án chung thân bất lực?

Rồi gián tiếp khiến những người vợ, người yêu của những tội phạm tình dục đó vì tình cảm thương mến mãnh liệt mà phải đêm đêm than thở não nề hờn giun trách bún?

Hoặc giả sử Đại biểu quốc hội đề xuất thiến hóa học xong kèm Nghị định, Thông tư hướng dẫn thiến có lộ trình, diệt dục có thời hạn… thì hóa ra thiến mà như không thiến.

Thế là thành ra vừa tốn tiền, vừa dễ phát sinh tiêu cực “chạy thiến”?.

Trần Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét