Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

Nếu 'Tiên lễ, hậu văn' là Điều 1 của 'Hiến pháp giáo dục'?

Nếu coi “Tiên học lễ, hậu học văn” là một dạng “Hiến pháp” trong giáo dục thì với đề xuất loại bỏ điều này, GS Trần Ngọc Thêm, cha đẻ của giáo trình “Cơ sở Văn hóa Việt Nam” dứt khoát bị khai trừ.

Tuy nhiên, nếu đặt khẩu hiệu này như một đối tượng của phản biện xã hội, GS Thêm rõ ràng sở hữu tư duy đột phá, rất xứng đáng được cổ vũ. Bởi, cả ngàn năm nay, có lẽ ông là người đầu tiên dám phản ứng với quan niệm tưởng như tuyệt đối.

Mà trong khoa học, “phản bội thầy, phản bội thế hệ trước" luôn là điều cần thiết của việc tiếp nhận tri thức tiến bộ.



Có điều, nếu trong phần lập ngôn của mình, tác giả của “Cơ sở văn hóa Việt Nam” dựa trên kết quả một công trình nghiên cứu thì tiếng nói sẽ trọng lượng hơn. Còn nói suông, ông thậm chí không thuyết phục bằng GS Bùi Hiển với ý tưởng cải cách chữ viết hồi mấy năm trước.

Chính vì không có khảo sát làm cơ sở lập luận nên mong muốn phế bỏ “Tiên lễ, hậu văn” của GS Thêm vấp phải ý kiến nhiều chiều, và rõ ràng nó gây hoang mang cho xã hội. Bởi nội hàm của “lễ, văn” giai đoạn Phong kiến đã chuyển hóa để phù hợp với thời nay; bởi người lớn không biết bám víu vào đâu để “lên lớp” bọn trẻ; bởi bọn trẻ cũng mất phương hướng trong ưu tiên lễ trước, văn trước hay sáng tạo đầu tiên...

Nên chăng, giống như đối xử với công trình của TS Bùi Hiển, hãy tạm gác ý tưởng của GS Trần Ngọc Thêm lại. Khi nào tình trạng giáo dục thực sự gấp gáp cần một cuộc cách mạng thì hãy đem ra bàn.

Không nên lãng phí sự chú ý vào một câu nói mà xao lãng những vấn đề sát sườn hơn.

Còn trước mắt, hãy cứ “xóa sổ” khẩu hiệu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” đi. Câu này mới chính là tiền để đẻ ra các thể loại “hàng thần” trong giáo dục.

Trần Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét