Thứ Tư, 21 tháng 7, 2021

Đường dài mới biết ngựa hay

Lâu lắm không còn thấy hình ảnh bệnh nhân COVID-19 được cán bộ tặng hoa và chào mừng xuất viện.

Hình thức họp trực tuyến hai miền Nam Bắc nhằm nỗ lực cứu bằng được một người bệnh nhiễm NCoV cũng không tái diễn.

Vắng đi cảnh ồn ào, vẫy cờ tổ quốc, hát vang bài ca hùng tráng của người dân tại những khu phố được giải phóng cách ly.

Mất dạng tính từ “ngạo nghễ” thời điểm các tỉnh ráo riết điều động phương tiện đưa con em mình rời khỏi điểm dịch từ TP.HCM.

Nhưng các lời động viên tình cảm “Thương lắm SG ơi”, “Sài Gòn bệnh rồi, cố lên”, “Ấm lòng tình người trong tâm dịch”, “Người dân hỗ trợ nhau vượt hoạn nạn”… liên tục xuất hiện. Nó giống như những âm thanh mát mẻ vút lên giữa thời tiết oi nóng mùa hè cùng mùi vị ngột ngạt của các hình thức xử phạt.


Đưa ra mấy gạch đầu dòng trên đây để thấy chỉ qua non 2 năm đại dịch, xã hội trải nghiệm vô số thái độ. Từ hoang mang đến tin tưởng, rồi hoang mang, rồi lạc quan, xong lạc quan tếu, quay lại cam chịu, an ủi nhau, tự động viên tình hình này vẫn còn dễ chịu hơn nhiều nước khác…

Tức là gần hai năm, chúng ta đã có chuyển biến trong nhận thức dù nhận thức khá trồi sụt, không theo quy tắc nào. Những nhận thức ấy tuy tốt xấu từng lúc khác nhau song lý giải thì tháng nào cũng có.

Hiện tại, đang có xu thế nêu cao truyền thống văn hóa lá lành đùm lá rách để xoa dịu vết thương phong tỏa. Cùng với đó, tán dương tinh thần người dân sẵn sàng tiết chế lợi ích cá nhân bởi lý do dồn sức tin tưởng vào đại cục dập giặc dịch.

Một vài hôm tới thì chưa biết còn sáng tạo ra những chiến dịch nâng (hạ) quyết tâm nào nữa.

Thấy cứ chuệch choạc sao ấy. Để xảy ra tình trạng rối đến nỗi liên tục thay đổi biện pháp kiểm soát giao thông, cách ly y tế, tiếp tế dân nghèo, đóng mở chợ, 15, 16, 19, 16+… tôi tự hỏi đây là hậu quả của dịch bệnh hay là hậu quả của các biện pháp chống nó?.

Bá Kiến có suy nghĩ nổi tiếng: Một người khôn ngoan chỉ bóp đến nửa chừng. Hãy ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông, nhưng rồi dắt nó lên để nó đền ơn. Hãy đập bàn đập ghế đòi cho được năm đồng, nhưng được rồi thì lại vất trả lại năm hào “vì thương anh túng quá”!.

Tôi không tin rằng cách mắng bọn nhân viên công lực trong chế độ nửa nạc nửa mỡ của ông Nam Cao gần trăm năm trước có thể mang ra giải thích bất cứ tình huống nào ở thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên, nếu các gói nghìn tỉ cứu trợ nghĩa tình chậm được công khai danh sách, các mũi vắc xin còn xuất hiện nghi vấn chuyện anh giai, ông ngoại… thì e rằng nhiều người có thể sẽ hiểu sai lầm như trên.

Anh Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét