CÓ GÌ KHÁC NHAU KHÔNG?
Nghe nói, trong trại giam, để chiếm được một vị trí xứng đáng trong hàng ngũ “sĩ quan”, các phạm nhân ngoài cái máu liều chết còn phải dư thừa thủ đoạn nhằm bôi nhọ hoặc lật đổ đối thủ. Một trong những phương pháp sở đắc của nhiều “quái tù” đó là việc sẵn sàng nói dối, đổ điêu(hoặc vu khống) kình địch trước mặt cán bộ nhằm làm có lợi cho mình.
Nhưng đó là ở thế giới của nhiều người khiếm khuyết về nhân tính, mạnh ai nấy thắng. Đó là một xã hội thiếu báo chí, mất tự do, không có sự tuân thủ pháp luật cùng các quy chuẩn đạo đức nghiêm ngặt,... Đó là nhà tù!.
Hôm nay buồn buồn ngồi đọc lại loạt bài về vụ lùm xùm giữa HLV đội tuyển Taekwondo Quốc gia Lê Minh Khương với hãng Hàng không Quốc gia Vietnam Airlines, tự nhiên thấy... chả ra làm sao cả. Hãng quốc gia nói hành khách Khương này gây rối nên buộc phải dẫn giải xuống. Vị HLV quốc gia lại nói mình đang phân trần một cách ôn hòa thì bị nhà bay trấn áp bằng vũ lực. ...
Rõ ràng là chắc chắn có ít nhất một bên nói dối hoặc đổ điêu cho bên kia. Việc ai đúng ai sai sẽ hạ hồi phân giải, chỉ tức mấy anh truyền thông, tại sao lại hồ đồ đến nỗi nhất định gắn chữ “Quốc gia” vào đằng sau cái tên của mỗi “phe” cơ chứ? Vậy “ông quốc gia Khương” thắng hay “ông quốc gia Vietnam Airlines” không thua đây?
Bực mình quá, chuyển sang đọc bài khác. Thì đập ngay vào mắt bản tin về cái chết của anh Nguyễn Công Nhựt, người nổi tiếng vì treo cổ tự tử thành công tại trụ sở công an huyện Bến Cát, Bình Dương với một ... sợi dây sạc điện thoại sau khi để lại lá thứ tuyệt mệnh.
Kết luận của Pháp y đã khẳng định anh này chết là do tự tử thật, và lá thư gửi cho vợ của nạn nhân không phải là thư giả mạo chữ viết.
Một vụ án hình sự, tòa án có thể phải xử đi xử lại tới 4 lần mới ra được phán quyết cuối cùng. Vậy duy nhất một bản kết luận của bên giám định pháp y đã đủ khép lại cái chết từng gây bao nhiêu nghi vấn trong lòng dư luận hay chưa? Và nữa, tại sao ông thiếu tá công an tên Phú lại tiên tri trước cái số phận hẩm hiu của anh Nhật để trong lúc “đùa cợt” điện thoại gạ bán đất, gạ tình với vợ nạn nhân đã bóng gió xa xôi về sự nguy hiểm tới tính mạng của chồng chị ấy? Rồi khi anh Nhật đã “chầu trời” hàng mấy tiếng đồng hồ, thế mà người thân chờ ngay bên ngoài trụ sở công an vẫn không được báo tin, vẫn chuẩn bị tinh thần khi được gặp anh, sẽ “tắc” cho anh lon bia, bát phở? Để tới khi nhận được thư tuyệt mệnh của chồng, vợ lại chắc chắn rằng đó là chữ của một kẻ lạ hoắc nào đó? Thế thì theo luật, chị này lại phạm phải tội “vu khống” cơ quan chính quyền rồi! Chứ nếu không “vu khống” thì hóa ra bên pháp y và bên công an lại thông đồng với nhau để đổ điêu cho cái chết của chồng chị à? ... Cái cảnh “bà ở ông đi” éo le như thế này đã có bậc thi nhân nào viết ra chưa nhỉ?
Tôi chẳng biết mấy về “Thuyết hoài nghi” ở xứ người khác, nhưng tôi cũng khoái đặt nhiều câu hỏi và tự diễn giải theo ý mình như thế đấy. Buồn quá!
Buồn quá nên chẳng muốn đọc tin mới, lại quay về tìm lại hào khí của lần họp Quốc hội vừa rồi. Bỗng thấy cái từ “Sáng tạo” đang lừng lững như một bóng đêm tiến về phía tôi. Định thần nhìn kỹ, hóa ra là lời của bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng khi nhận xét về mấy “trò khỉ” của người dân xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi, Kon tum: “...Đu dây qua sông là sáng tạo không ngờ..”!
Khỏi phải nói! Vì người Việt Nam có khi nào bị tiếng là kém thông minh đâu? Nhưng sao lại “khen” người dân vùng ấy như thế? Liệu họ có bị “khen oan” quá không? Giữa cơn sóng to lũ dữ như thế, cầu đường lại không có. Muốn sang bờ bên kia thì họ phải nghĩ ra cách mà sang chứ sao gọi là “sáng tạo không ngờ” được? Ví thử không kiếm nổi dây để đu thì đành phải bơi chứ biết làm sao? Lại “sáng tạo” ra một cách bơi vượt lũ nữa à? Thế thì quán quân thế giới là cái chắc!
Thật là, bị “đổ điêu” cũng khổ mà được “khen oan” lại càng khổ.
Đọc xong cái bản tin cũ vừa rồi, tự nhiên thấy tâm trí mình chẳng còn một chút vốn nào mà buồn bã thêm được nữa. Đành vất cha cái sự suy nghĩ còn dở dang ấy.
Tìm mấy tờ báo có em chân dài ngực khủng, đại gia xài hàng hiệu, hay mấy vụ đâm chém, cướp, hiếp,..để mà cố quên đi mấy cái từ ngữ lộn xộn “Nói dối” với “Đổ điêu”, ... Để rồi lầm bầm ngâm mấy vần thơ ngô nghê chẳng đầu cuối, ý tứ gì:
Ở trong tưởng khác bên ngoài
Ai ngờ tội phạm một ngoài một trong!
..........................
Đói ăn, chó mới hỏi rồng:
Ở trên mây ấy,có không:... phân người?
Trần Anh Tuấn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét