...NGHĨ TỚI MỘT CÂU HỎI VỀ “BẢN SẮC”
Báo chí “lề phải” nói “ông Vũ” phạm tội, báo chí “lề trái” coi “vị Tiến sĩ luật” này là anh hùng... Tôi đi mãi trên đại lộ thông tin cuối cùng cũng bắt gặp một chữ “vì” nằm giữa hai lề phải- trái đó.
Nay đọc báo mạng, thấy nói tới một vài người “ngỡ lạ mà rất quen” đã bắt đầu tới hỏi thăm những ai đồng ý ký tên vào thỉnh nguyện thư yêu cầu trả tự do cho bác Cù Huy Hà Vũ.
Hãi quá, nếu TS Vũ kia có tội vì yêu nước, thì mình cũng nằm trong số bị săm soi vì yêu người yêu nước?. Bởi mình cũng tự nguyện, đồng lòng và khẳng khái ký tên vào bản danh sách đó?.
Có điều, sự sợ hãi này hoàn toàn không nằm trong ý thức cá nhân nhỏ mọn. Vì cùng lắm là mình bị triệu tập rồi đi tù, hoặc “may hơn” là giống số phận anh Nguyễn Công Nhựt ở Bình Dương mà thôi. Sự sợ hãi này nằm ở chỗ: Một phần bản sắc của Việt Nam có thể sẽ đổi màu thấy rõ, thậm chí là phai nhạt khủng khiếp.
Cái bản sắc ấy, từ phổ thông cho tới đại học, tôi luôn được giáo dục, tiếp nhận, thấm nhuần, coi đó là nền tàng vững vàng cho mọi ý nghĩ và hành động: Người Việt Nam dám nghĩ dám làm, không cam phận trước cường quyền bạo lực, tư tưởng tự do, phóng khoáng, luôn hướng về tương lại tươi sáng ngày mai v..v....
Không biết những “người lạ mà rất quen” ấy đến từ đâu, nhưng chắc chắn đó là người Việt ta, họ tới mang theo sự nhạt nhòa, trống rỗng hòng xâm lược các giá trị rất ư bền vững của không chỉ riêng tôi. Họ tới cật vấn người tham gia ký tên, hăm dọa(hoặc đã làm thật) với gia đình, cơ quan của những người ấy. Tức là họ đang âm mưu khẳng định một cái gì đó mới, đối lập với các giá trị Tự do phát biểu, tự do hành động rằng : Theo ông thì sống, chống ông thì chết!.
Nếu những kẻ “ngỡ lạ mà rất quen” này thành công, nghĩa là sẽ có một thứ hao hao giống chân lý sẽ bao trùm, chi phối lên tư duy của một dân tộc hàng ngàn năm Văn Hiến. Nói một cách khác, sự can trường, thượng tôn công lý sẽ phải nhường sân cho bóng đêm dối trá, cho những bàn tay sắt sẵn sàng bẻ gẫy răng những cái miệng dám cất lên tiếng nói đòi tìm hiểu sự thật.
Nói thẳng ra, một đất nước mà tư tưởng bị giam cầm bởi ý chí một bộ phận nào đó của thế lực quản lý đất nước ấy. Không cho nghe(quản lý thông tin), không cho nói(cầm tù tư tưởng) thì công dân của đất nước ấy tốt hơn hết là nên mong muốn quay trở lại thời kỳ ... Phong kiến. Vì ít ra ở xã hội này cũng còn lén lút ngân nga mấy câu “nặc danh” mà bây giờ chúng ta long trọng đặt tên nó là Ca dao:
“... Bao giờ dân nổi can qua
Con vua thất thế lại ra quét chùa”
Khi xã hội phát triển đồng nghĩa với sự bùng nổ của thông tin đa chiều. Việc tiếp cận, tìm hiểu đúng sai và ngộ ra những giá trị cuộc sống không còn phải là một điều gì quá khó khăn nữa.
Triết học Mác-xít khẳng định “Tồn tại xã hội quyết định Ý thức xã hội”. Trong phạm vi những quốc gia XHCN, câu này có vẻ rất đúng nếu loại trừ yếu tố Internet.
Và...Sự phai lạt của một bản sắc, hiện tượng bật gốc của cả một thế hệ. Đó chính là nỗi sợ hãi, đồng thời cùng là một niềm tin cháy bỏng đầy tính phủ định của tôi sau khi đọc vài bài báo nói tới một số người có tên trong thỉnh nguyện thư bị một hai kẻ làm phiền.
Tất nhiên, tôi đang sẵn sàng chờ đợi...
Trần Anh Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét